Ưu thế của người chủ động
![]() | Tập trung phục hồi, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không đang hoạt động |
![]() | Mở cửa để phục hồi khách quốc tế: Quyết định không dễ dàng |
![]() |
Ảnh minh họa |
Cuối tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi tọa đàm trực tuyến giữa NHNN Việt Nam và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ASEAN). Nội dung chính của buổi tọa đàm là trao đổi về các ưu tiên, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát; các kế hoạch phục hồi nền kinh tế nói chung và các ưu tiên, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng...
Trong bối cảnh dịch Covid 19 bùng phát phức tạp như hiện nay và với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, những cuộc họp trực tuyến giữa Việt Nam nói riêng và các nước trong cộng đồng ASEAN nói chung với cộng đồng thế giới dần phổ biến hơn. Song sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng.
Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) là tổ chức đại diện cho hơn 160 tập đoàn thành viên có hoạt động kinh doanh toàn cầu, phần lớn trong số đó nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn. Các công ty thành viên của USABC rất có ảnh hưởng tại Hoa Kỳ. Đầu những năm 1990, Hội đồng cùng với các thành viên có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế và chính trường Mỹ đã tích cực cùng Việt Nam vận động cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và sau đó là việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995.
USABC cũng đã vận động thông qua Hiệp định thương mại song phương (BTA 2001) và lập liên minh ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Hội đồng đã tích cực vận động các giới ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiện đang tích cực vận động Hoa Kỳ tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm nhân dịp 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ tháng 3/2020, ông Alexander Feldman - Chủ tịch USABC chia sẻ: "Việt Nam là một điểm sáng cho các nhà đầu tư toàn cầu và các công ty của USABC may mắn được hưởng sự hỗ trợ to lớn của Chính phủ và người dân nơi đây. Công việc kinh doanh của các công ty chúng tôi đã lớn mạnh cùng với đất nước Việt Nam".
Một sự kiện khác, đáng chú ý trong tuần qua là ngày 23/7, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) đã họp báo thông tin về chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Takeo Nakajima, trưởng đại diện Văn phòng Jetro Hà Nội cho biết, kết quả tuyển chọn lần thứ nhất 30 doanh nghiệp đăng ký nguyện vọng được dịch chuyển mở rộng sang các nước ASEAN; trong đó có 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sang Việt Nam… Đây là thông tin, theo nhận định của ông Nakajima: "Việt Nam đang rất được quan tâm. Khi con số này được công bố, nó chắc chắn đã gây sốc cho các quốc gia lân cận".
Hiện cả nước có 32.000 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư khoảng 380 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng hai về vốn đầu tư FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 60 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang cải thiện mạnh mẽ, khi xếp 70/190 quốc gia về mức độ thuận lợi đầu tư theo bảng xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của WB trong giai đoạn 2019-2020. Những con số và sự kiện trên cho thấy, Việt Nam đang là quốc gia có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Song, ngoài những ưu điểm về sự ổn định địa, chính trị; ổn định kinh tế vĩ mô… thì các nhà đầu tư đều đang nhìn vào điểm sáng nhất của chúng ta: Việt Nam - một trong số ít các quốc gia trên thế giới đang kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã cho chúng ta lợi thế chủ động trong triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế trong bối cảnh nhiều quốc gia khác đang vất vả ứng phó với mất mát cả về tài chính, con người; lẫn tổn hại về lòng tin của người dân đối với nhà cầm quyền.
Những gì đã, đang diễn ra ở các quốc gia này không chỉ là bài học, minh chứng cho thấy việc phòng chống dịch Covid-19 là vấn đề sống – còn của quốc gia. Chính phủ chủ trương vừa phòng thủ chống dịch, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế. Nhưng nếu không làm tốt nhiệm vụ đầu, chúng ta khó có cơ hội để thực hiện mục tiêu về kinh tế.
Ngược lại, nếu phòng chống dịch thành công như vừa qua, cơ hội cho mở rộng giao thương, kết nối những chuỗi đứt gãy với thị trường thế giới để phục hồi kinh tế là rất lớn. Kiểm soát dịch bệnh tốt, chúng ta sẽ có được ưu thế của người chủ động không chỉ trong nước mà với cả thị trường thế giới.
Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương phải cùng nỗ lực gấp đôi, gấp ba để thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Cũng xin được nhắc lại, năm nay Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Tin liên quan
Tin khác
