Ưu đãi đầu tư đặc biệt: Cần tạo đủ động lực bứt phá
Ba mức ưu đãi đặc biệt cho đối tượng đặc biệt
Góp ý vào Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua cũng bộc lộ một số vấn đề về sự liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nội địa, cũng như chưa tạo ra được hiệu ứng lan tỏa cần thiết từ khu vực này sang khu vực kinh tế nội địa như kỳ vọng. Do vậy, VCCI kỳ vọng các ưu đãi đầu tư ở mức đặc biệt, ngoài việc thu hút các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia, cần giúp định hướng và khuyến khích các tập đoàn này tạo ra sự kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao; có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, hướng tới nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ đã đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, Dự thảo xây dựng 3 mức ưu đãi dành cho 3 đối tượng riêng biệt và áp dụng cho dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.
![]() |
Chính sách cần thu hút các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia và tạo ra sự kết nối với doanh nghiệp trong nước |
Theo đó mức ưu đãi 1 áp dụng cho các dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi có vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong 3 năm hưởng mức ưu đãi này. Ưu đãi gồm có: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 9% trong 30 năm; miễn thuế 5 năm và giảm 50% trong 10 năm tiếp theo; tiền thuê đất và mặt nước được miễn giảm 18 năm và giảm 55% trong các năm còn lại.
Mức ưu đãi 2 áp dụng cho các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm R&D có vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm. Ưu đãi gồm: thuế suất thuế TNDN 7% trong 33 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% trong 12 năm tiếp theo; tiền thuê đất và mặt nước được miễn giảm 20 năm và giảm tới 65% trong các năm còn lại.
Mức ưu đãi 3 áp dụng thuế suất thuế TNDN 5% trong 38 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo; tiền thuê đất và mặt nước được miễn giảm 23 năm và giảm tới 75% trong các năm còn lại dành cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Lo khó lan tỏa sang kinh tế nội địa
Ngoài ra, nếu dự án mức 1 đáp ứng thêm 1 trong 4 tiêu chí (công nghệ cao; có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi; giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ) được quy định tại quyết định này thì được hưởng mức ưu đãi cao hơn ở mức 2 hoặc 3 tùy theo khả năng điều kiện đáp ứng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc thực hiện 1 trong 4 tiêu chí này đòi hỏi nỗ lực hơn rất nhiều của doanh nghiệp thực hiện đầu tư, so với việc không thực hiện thêm bất kỳ tiêu chí nào bổ sung để hưởng mức ưu đãi 1. Trong khi đó, các mức ưu đãi lại dường như được thiết kế theo hướng tăng dần đều theo từng mức, khoảng cách giữa các mức dường như chưa thực sự lớn…
“Cách thiết kế như dự thảo hiện tại có thể chưa tạo được đủ động lực để các dự án đầu tư lớn thực hiện thêm các tiêu chí bổ sung”, VCCI chỉ ra và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại cách thiết kế các mức ưu đãi theo hướng tạo khoảng cách xa hơn giữa mức ưu đãi 1 với các mức 2, 3 nhằm tạo cơ chế đủ mạnh và có động lực hơn.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, mức định lượng của hai tiêu chí về giá trị gia tăng và tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi bổ sung để dự án đầu tư được hưởng ưu đãi mức 2, 3 dường như chưa thực sự tương xứng với nhau. Hiện, hai tiêu chí đang đều đặt ở ngưỡng 30% (mức ưu đãi 2) và 40% (mức ưu đãi 3). Tuy nhiên, thực tế, tiêu chí có tỷ lệ doanh nghiệp Việt sẽ khó thực hiện hơn tiêu chí giá trị gia tăng. Vì để thực hiện tiêu chí giá trị gia tăng, các tập đoàn lớn có thể kêu gọi các nhà cung ứng nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam đầu tư mở nhà máy, cung cấp linh kiện, vật tư cho họ tại chính Việt Nam. Trong khi, để thực hiện tiêu chí về tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi, các tập đoàn lớn lại cần nhiều thời gian và công sức để xây dựng lại chuỗi, thậm chí hỗ trợ, đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực tham gia chuỗi.
Điều này dẫn tới mức định lượng của tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi có thể chưa tạo ra sức hấp dẫn đủ mạnh để các tập đoàn lớn xây dựng chuỗi cung ứng có doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi các định lượng của hai tiêu chí trên nhằm đảm bảo tính khả thi và công bằng giữa các tiêu chí phụ.
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về khoảng thời gian để thực hiện 2 tiêu chí này tránh tình trạng trong khoảng thời gian đầu, các dự án đầu tư này chưa thể ngay lập tức đáp ứng hai tiêu chí này và có nguy cơ phải bồi hoàn ưu đãi theo quy định tại dự thảo. Đồng thời cho phép dự án đầu tư vẫn được hưởng ưu đãi ở mức 2 (hoặc mức 3) trong khoảng thời gian này nếu sau đó đáp ứng được các tiêu chí như cam kết.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
