Tư duy về kinh tế thị trường đang giảm dần
Doanh nghiệp “bị buộc” nhiều trách nhiệm
Một vấn đề nổi lên trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật 2022 của VCCI là việc xây dựng văn bản pháp luật gần đây có xu hướng “buộc” thêm nhiều trách nhiệm không cần thiết cho DN, tăng chi phí tuân thủ cho DN. Như năm 2022, Bộ Giao thông - Vận tải soạn thảo Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe hàng, trong đó đặt ra các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn, điều kiện của các bến xe hàng trước khi đi vào hoạt động cũng với lý do “giúp tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hóa”. Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc quy định quy chuẩn kỹ thuật cho các bến xe khách là cần thiết, bởi nó liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn của người dân. Song, quan hệ diễn ra trong bến xe hàng là quan hệ kinh tế giữa chủ bến xe và thương nhân - mối quan hệ ngang hàng và điều tiết theo yêu cầu của thị trường. Các thương nhân sẽ tự lựa chọn bến xe phù hợp với nhu cầu của mình, và các bến xe hàng cũng cần thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nếu muốn thu hút khách hàng. Hơn nữa, phần lớn nội dung Dự thảo dẫn chiếu các quy định pháp luật hiện hành mà vốn dĩ bến xe hàng đã phải đáp ứng nên việc ban hành thêm quy chuẩn như Dự thảo là không cần thiết.
![]() |
"Nói về quy định điều chỉnh nền tảng số Báo cáo Dòng chảy pháp luật dùng cụm từ "trăm hoa đua nở" dí dỏm nhưng cũng rất chuẩn", ông Vũ Minh Tú Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, nhìn nhận và cho biết "là người theo dõi chính sách và tuân thủ, chúng tôi cũng khá chóng mặt khi hàng loạt các quy định mới được ban hành và sắp ban hành về các hình thái kinh doanh trên môi trường số, chồng chéo với văn bản đang thực thi. Xu hướng rất rõ ràng là văn bản mới ngày càng buộc nhiều trách nhiệm cho các nền tảng kiểu "nắm người có tóc". Như trong Dự thảo Đề cương Nghị định quy định Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, quy định về nghĩa vụ của nền tảng số trung gian, chủ yếu liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, vấn đề này đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Chưa kể quy định buộc người trung gian chịu trách nhiệm về hàng hóa bán trên sàn là không hợp lý, bởi họ chỉ tạo ra sân chơi, chợ để người bán, người mua gặp nhau trên đó. Họ cũng không thể chịu trách nhiệm chất lượng hàng bán trên đó vì quyền năng của nền tảng rất hạn chế. Hay Dự thảo quy định nền tảng phải có phần mềm hỗ trợ bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng không giải quyết triệt để được vấn đề hàng nhái, hàng giả. Vì nền tảng cũng chỉ có thể gỡ bỏ, phạt điểm, nặng nhất là đóng tài khoản vĩnh viễn những người bán hàng nhưng họ vẫn có thể tạo ra những tài khoản hoàn toàn mới. "Nếu buộc trách nhiệm cho các nền tảng vượt quá khả năng của họ thì còn có thể tạo ra khủng hoảng cho các nền tảng một cách không cần thiết", ông Tú khuyến nghị .
Báo cáo Dòng chảy pháp luật 2022 cũng chỉ ra khi gặp sự việc tiêu cực tác động đến thị trường, phản ứng đầu tiên của các cơ quan quản lý là “siết chặt” đối với các chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh trong khi chưa đánh giá tác động một cách kỹ càng đối với biện pháp này đối với thị trường. Hậu quả của các chính sách này đôi khi còn làm gia tăng thêm sự khó khăn của môi trường kinh doanh, khiến cho chính sách thiếu ổn định, thiếu tính dự báo trong khi mục tiêu quản lý đôi khi lại không đạt được". Điều này có thể thấy qua chính sách điều chỉnh thị trường trái phiếu năm 2022, cụ thể là Nghị định 65/2022/NĐ-CP sau ba tháng đã phải điều chỉnh để tạo thanh khoản cho thị trường.
Pháp luật tạo ra luật chơi hay công cụ quản lý?
TS. Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, tư duy về kinh tế thị trường giảm dần dẫn tới hành chính hóa và giật cục trong việc xây dựng và ban hành chính sách, văn bản pháp luật. Rõ ràng ở đây có vấn đề về năng lực quản lý.
"Pháp luật của chúng ta không phải tạo ra luật chơi mà tạo ra một công cụ quản lý. Mà quản lý là kìm hãm phát triển", ông Cung chỉ ra và khuyến nghị: Nếu không nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường thì không chỉ có luật pháp mà các lĩnh vực khác động lực tăng trưởng đều giảm sút. Chúng ta đang thiếu động lực phát triển, mà động lực là thị trường, chỉ có thị trường mới tạo ra động lực. Quan niệm này chúng ta không thay đổi từ gốc thì không thể có một hệ thống pháp luật thay đổi.
Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông, Nguyễn Quang Đồng lý giải tình trạng “trăm hoa đua nở”, chồng chéo trong việc ban hành pháp luật là do không có người làm kiến trúc sư trưởng, nên bộ nào cũng muốn giành quyền quản lý về bộ mình. Vì vậy, ông cho rằng cần có người “gác cổng”, tư vấn cho Quốc hội, Bộ Tư pháp, Ủy ban pháp luật và các ban chuyên ngành của Quốc hội để việc xây dựng chính sách cần có tầm nhìn chiến lược, đón đầu cơ hội mới cho các ngành kinh tế.
Cùng quan điểm này Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, việc xây dựng văn bản pháp luật phải lấy lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu; Đồng thời đề cao việc lấy ý kiến của cộng đồng cư dân, doanh nghiệp và các chuyên gia để chỉnh sửa văn bản pháp luật.
Nhấn mạnh sự cần thiết tăng tính ổn định, nhất quán của pháp luật, TS. Trần Kiên, Giám đốc trung tâm nghiên cứu luật so sánh, Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội phân tích, ổn định pháp luật cho rằng luật pháp không thể không thay đổi nhưng vấn đề là thay đổi như thế nào để vẫn đảm bảo tính ổn định và nhất quán. Từ đó ông Kiên kiến nghị xem xét kinh nghiệm ở các quốc gia đang chuyển đổi là xây dựng bộ khung pháp luật, chấm điểm cho từng bộ luật để tạo sức ép; Đồng thời mạnh dạn chấm điểm từ Quốc hội trở xuống, đến viện kiểm sát và tòa án, đảm bảo tính ổn định của luật.
Ở góc độ sâu hơn, chuyên gia Phạm Chi Lan nhìn nhận, luật phải xuất phát từ chính sách, chính sách không ổn định thì luật cũng phải thay đổi, như vậy người cầm trịch là Chính phủ phải lo. Chính phủ kiến tạo, Nhà nước kiến tạo là kiến tạo cho phát triển chứ không phải kiến tạo chính sách. Vì vậy cần một bộ máy hỗ trợ Chính phủ đưa ra chính sách kiến tạo phát triển. Việc xây dựng chính sách phải qua quá trình tham vấn và tham vấn phải thực chất.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
