Tự động hóa - bước tiến lớn trong số hóa ngân hàng
![]() | Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ số hóa |
![]() | Số hóa ngân hàng góp phần thay đổi doanh nghiệp |
Diện mạo ngân hàng số đã thay đổi
Phát biểu tại Hội thảo quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số: từ dữ liệu đến tự động hóa” tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn bùng nổ, hệ sinh thái số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế, tạo ra những trải nghiệm liền mạch với lợi ích to lớn của người sử dụng dịch vụ trên không gian số.
Có thể nói ứng dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam hiện đã đuổi kịp với các nước phát triển. Hiện 73% khách hàng cá nhân tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, điều này có nghĩa họ sử dụng kết hợp dịch vụ ngân hàng số với chi nhánh ngân hàng vật lý.
Nhiều ngân hàng đi nhanh trong việc sử dụng công nghệ đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số. Tới đây, các ngân hàng sẽ áp dụng các công nghệ mới cập nhật hơn với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo/Máy học, ứng dụng Blockchain, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), kết nối dữ liệu mở qua Open API... tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn.
![]() |
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo |
Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, từ thành quả bước đầu đáng khích lệ, được đánh giá là lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia. Do đó, ngành Ngân hàng cần có bước đột phá để chuyển đổi số nhanh hơn, bền vững hơn, trong đó không thể thiếu tăng cường tự động hoá các quy trình để mang lại sự hài lòng cho khách hàng cũng như chính ngân hàng.
Theo ông Hùng, ngân hàng là nơi thường có các quy trình với khối lượng lớn, đòi hỏi tính chính xác cao, tuyệt đối, tự động hóa thông minh sẽ giúp ngân hàng tăng năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh, cung cấp khả năng tuân thủ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro và nâng cao trải nghiệm tổng thể của người dùng. Đồng thời, quản lý dữ liệu và tự động hoá quy trình cũng sẽ giúp ngân hàng đánh giá được hiệu quả nghiệp vụ.
Theo đánh giá của ông Phan Thanh Đức, Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý - Học viện Ngân hàng, chuyển đổi số tạo ra dữ liệu và nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Trong nền kinh tế số, phương thức sản xuất cũng thay đổi từ thủ công, bán tự động sang tự động hoàn toàn trên các hệ thống thông minh. Có thể nói, dữ liệu và tự động hóa là những trụ cột cốt lõi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế số. Các doanh nghiệp ngày nay áp dụng các hệ thống thông tin thông minh để hoàn thành công việc tự động trên nguồn tài nguyên của thế giới số - dữ liệu.
Hướng tới số hóa toàn diện
Bà Trần Thanh Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV chia sẻ, trong chiến lược phát triển kinh doanh tổng thể giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, BIDV đã đặt mục tiêu số hóa toàn diện hoạt động, tập trung vào ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, mang tính đột phá của CMCN 4.0. Một trong những giải pháp mà BIDV đã và đang tiếp cận, đưa vào ứng dụng rộng rãi trong tất cả các mặt hoạt động đó là tự động hóa quy trình bằng RPA.
BIDV đã triển khai thành công nhiều quy trình ứng dụng RPA trong các lĩnh vực vận hành, quản trị, phát triển sản phẩm và nhiều hoạt động khác; qua đó tối ưu năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu rủi ro và nâng cao trải nghiệm người dùng; đẩy nhanh thời gian triển khai và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng...
Cụ thể, nhờ tự động hoá, trong giai đoạn 2019 - 2021 đã giúp tăng tốc độ xử lý file hoạch toán lên 5 lần, giảm thiểu số nhân sự tác nghiệp tại chi nhánh; giảm thiểu số nhân sự tác nghiệp trên toàn hệ thống; số tiền làm lợi 2 tỷ đồng/năm. Đến năm 2022, nhờ tự động hoá đã tiết kiệm 85% thời gian bàn giao nội bộ giữa các phòng tại chi nhánh; tiết kiệm 100% thời gian xử lý giao dịch thanh toán bộ chứng từ xuất khẩu tại Trung tâm tác nghiệp và tài trợ thương mại.
Trung bình, mỗi quy trình áp dụng RPA giúp tiết kiệm hằng trăm triệu đồng/năm; tăng tốc độ hoạt động tác nghiệp tại chi nhánh, hội sở chính; giảm thiểu các sai sót của con người; tăng chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách hàng…
Trong thời gian tới, nhà băng này cho biết sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai 13 quy trình ứng dụng RPA; giai đoạn 2024 - 2026 sẽ tiếp tục thực hiện 33 quy trình trong chiến lược chuyển đổi số và các quy trình được đề nghị mới.
Tương tự, định hướng là ngân hàng tiên phong về công nghệ, lãnh đạo TPBank cho biết, ngân hàng triển khai 5 robot mới mỗi tuần và sử dụng đến 300 robot trong hoạt động, giúp tiết kiệm hàng trăm nhân sự và mang đến trải nghiệm giao dịch không giới hạn cho khách hàng. Nhờ ứng dụng công nghệ sâu rộng, TPBank đã gặt hái nhiều “trái ngọt” như tiết kiệm 60% thời gian giải ngân và đến 60% thời gian giao dịch tại quầy…
![]() |
Chia sẻ kinh nghiệm khi triển khai RPA, đại diện BIDV cho biết, ngân hàng phải lựa chọn quy trình phù hợp, chuẩn hoá quy trình trước khi áp dụng RPA, hình thành “văn hoá tự động hoá” nâng cao hiệu suất hoạt động của toàn ngành Ngân hàng, đề cao vai trò bảo mật trong tự động hoá RPA. Đặc biệt, bảo mật - yếu tố then chốt trong tự động hoá RPA, vì vậy cần triển khai tập trung trên hệ thống máy chủ tại Trung tâm CNTT, coi mỗi robot như một nhân sự, quản lý bằng mã cán bộ và tuân thủ quy định cấp phát quyền truy cập; hệ thống tham số được khai báo tập trung như username; password; token…và tích hợp các hệ thống khác qua API.
Chia sẻ góc nhìn mới về tự động hoá, ông Trần Đăng Hoà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) cho biết, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và nhu cầu ngày một tăng cao của nền kinh tế, công nghệ RPA không còn đáp ứng được tối đa kỳ vọng của doanh nghiệp trong việc tối ưu hoá quy trình vận hành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng một giải pháp công nghệ cao cấp hơn, đem lại kết quả vượt trội hơn và Siêu tự động hoá (Hyperautomation) có thể giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán này.
Tuy nhiên, tự động hoá nói riêng và chuyển đổi số trong ngân hàng nói chung vẫn còn nhiều rào cản cần khắc phục. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần có sự hoàn thiện quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo vệ an ninh mạng, AI…
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Fintech - động lực số hóa ngân hàng Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng Việt thời gian qua tuy đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều khiêm tốn. Minh chứng là số hóa kênh giao dịch không tiếp xúc chỉ khoảng 45%; số hóa một phần kinh doanh, ngân hàng bán lẻ là 40%; chưa có ngân hàng nào số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh… Trong bối cảnh đó, sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của Fintech đang là một trong nhiều động lực thúc đẩy số hóa ngân hàng. Các Fintech Việt có khả năng gọi vốn khá tốt, trong đó Fintech về thanh toán chiếm 60%; Fintech cho vay ngang hàng P2P Lending 25%, còn lại là các Fintech về tư vấn đầu tư, quản lý tài sản… Dù vậy ở Việt Nam số lượng Fintech còn ít, khoảng 200 công ty trong tổng số 2.500 công ty Fintech ở Đông Nam Á và chưa có công ty Fintech Việt Nam có quy mô lớn… Một vấn đề khác là hiện hệ thống hành lang pháp lý để phát triển Fintech chưa hoàn thiện như luật về đầu tư mạo hiểm chưa có; không có các ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư mạo hiểm; chưa có luật về Ngân hàng số và hàng loạt các dịch vụ liên quan… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và công nghệ hạn chế… Trong thời gian tới, để phát triển lĩnh vực Fintech thông qua đó đẩy nhanh tiến trình số hóa trong ngành Ngân hàng, cần nghiên cứu mô hình chuyển đổi số ngân hàng chồng ngân hàng; cho phép thành lập Ngân hàng số 100%; có chiến lược tổng thể về số hóa Ngân hàng để xây dựng luật phù hợp… Ông Phan Thanh Đức, Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý - Học viện Ngân hàng: Xác định rõ mục tiêu tự động hóa Các tổ chức muốn áp dụng tự động hoá thành công phải trải qua ba giai đoạn: chuẩn bị, đánh giá tác động và cách tự động hóa. Ngoài ra, cần phân định rõ mục tiêu tự động hoá là tăng trưởng, năng suất, hiệu quả hay khả năng phục hồi. Điều này sẽ giúp đơn vị quyết định rằng nên tự động hóa hay không. Giai đoạn hai là thực thi và học hỏi thông qua chạy một thử nghiệm hoặc bằng chứng nhỏ để nhanh chóng chứng minh rằng có thể lập kế hoạch, chi phối và thực hiện một dự án RPA. Mục đích là chứng minh nó có thể hoạt động và học cách quản lý các nhóm cũng như quy trình RPA trong tương lai. Sau khi đã hoàn thành và đánh giá mức độ thành công của bản thử nghiệm có thể chuyển sang triển khai tự động hóa vào sản xuất. Cuối cùng là giai đoạn mở rộng quy mô và tối ưu hóa. Ở giai đoạn này, cần xây dựng một nhóm nội bộ và để tối ưu hóa các robot, tự động hóa các quy trình phù hợp khác đến lúc không cần trợ giúp từ bên ngoài nữa. Đến cuối giai đoạn ba, phải có một hệ thống các quy trình để tự động hóa các nhóm, kỹ năng, cấu trúc, tiêu chuẩn và quản trị để thực hiện điều đó. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh, akaBot (FPT Software): Nâng cao trải nghiệm với tự động hóa Kết quả một khảo sát chỉ ra, 41,7% nhân viên ngân hàng có mức độ hài lòng thấp tới trung bình đối với công việc, tác vụ thủ công hằng ngày. Trong khi đó, tự động hoá có thể thay thế các tác vụ thủ công, giúp thẩm định, xử lý thông tin và ra quyết định hành động… Thông qua đây, góp phần cải thiện trải nghiệm nhân viên và nâng cao năng suất làm việc. Vì vậy, việc triển khai hệ thống tự động hoá trong mô hình hoạt động phải chú trọng vào việc trải nghiệm của nhân viên là trọng điểm. Các nhân viên cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng về tự động hoá đó là có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng, giảm thiểu công việc thủ công, đáp ứng dịch vụ khách hàng nhanh chóng, hoạt động 24/7, cải thiện chất lượng dữ liệu, giảm thiểu sự tương tác giữa nhân viên và dữ liệu… Thực tế, việc ứng dụng RPA trong ngân hàng cũng không khiến nhân viên gặp nhiều phức tạp khi 100% nhân viên được khảo sát cho biết sử dụng RPA có mức độ phức tạp 0-5 trên thang điểm 10. Song song với đó, giá trị nổi bật từ RPA có thể đong đếm là 90% nhân viên được hỏi cho biết tiết kiệm 60-90% thời gian xử lý tác vụ; 90% cho rằng tiết kiệm 60-90% chi phí vận hành và 99% cho biết RPA tăng tỷ lệ chính xác của tác vụ lên đến 99%. Kinh nghiệm triển khai RPA thành công đó là bắt đầu từ khởi đầu nhỏ bằng việc lựa chọn quy trình để ứng dụng tự động hoá sau đó là xây dựng văn hoá tự động hoá trong tổ chức và cuối cùng là quản trị những thay đổi khác trong tổ chức, tối ưu trải nghiệm của cả khách hàng và nhân viên. |
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
