Triều Tiên: Ai hưởng lợi từ đoàn tụ các gia đình ly tán
Cuộc đoàn tụ sau 20 tháng
Tờ Les Echos (Pháp) đưa tin qua tựa đề “Ở biên giới hai nước Triều Tiên, các gia đình ly tán gặp lại nhau với đôla và thuốc men”, viết rằng 389 người Hàn Quốc được chọn qua rút thăm và 141 người CHDCND Triều Tiên mà chính quyền chọn lọc theo mức trung thành với chế độ, sẽ có thể tâm sự với nhau một cách tự do trong 3 ngày ở khách sạn du lịch trên núi Kim Cương.
![]() |
Theo Les Echos, dù làm khó dễ vì sợ rằng các cuộc họp mặt này cho thấy mức sống chênh lệch giữa hai miền, nhưng Bình Nhưỡng cũng muốn tận dụng để tuyên truyền: để người phía Bắc giải thích với người phía Nam là chế độ đã mang lại hạnh phúc cho họ như thế nào và đồng thời đưa ra yêu sách với Seoul. T
ập đoàn Huyndai được cho là đã tài trợ việc tu sửa khách sạn ở núi Kim Cương cho cuộc họp mặt lần này, trong khi Seoul luôn khẳng định không bù đắp cho Bình Nhưỡng tiền chi tiêu tổ chức sự kiện.
Bình Nhưỡng còn được lợi nữa là sẽ “thu phần đóng góp” trên quà mà người Hàn Quốc mang đến cho thân nhân: Nếu sách và hàng điện tử bị cấm, người Hàn Quốc vẫn có thể mang đến những gói quần áo mùa Đông, thức ăn như mì gói, thuốc men và nhất là những phong bì, có thể lên đến 1.500 USD.
Số tiền này có thể được trao trước cho các viên chức CHDCND Triều Tiên và một phần sẽ được trao lại cho thân nhân được chọn tham dự cuộc họp mặt.
Với hy vọng tổ chức những cuộc hội ngộ đều đặn hơn, Seoul thông báo là 250 người Hàn Quốc có thể băng qua biên giới để gặp lại người thân trong ba ngày vào đợt hai tới.
Trong một động thái chứng tỏ mối quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên đang ấm dần lên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo loan báo nước này sẵn sàng đàm phán với CHDCND Triều Tiên về mọi vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, một khi các cuộc đối thoại được nối lại.
Trong thỏa thuận đạt được ngày 25/8 vừa qua, hai miền Triều Tiên đã nhất trí sớm tổ chức hội đàm tại Bình Nhưỡng hoặc Seoul nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều cũng như tiến hành đối thoại và thương lượng về nhiều mặt trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Hong Yong-pyo, hai bên “vẫn chưa đạt được tiến bộ to lớn nào trong các nỗ lực tiến hành đàm phán cấp chính phủ”.
Chính phủ Hàn Quốc “hiểu được phần nào” những lời kêu gọi mở rộng hợp tác kinh tế với Triều Tiên góp phần duy trì đà cải thiện quan hệ được tạo ra trong thỏa thuận trên, ông Hong Yong-pyo cho hay. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng mà Seoul áp đặt từ năm 2010 thì miền Bắc cần phải thực hiện một bước đi “có trách nhiệm”.
Quan hệ sẽ cải thiện
Trong khi đó, theo trang mạng "voanews.com", mặc dù thời gian gần đây Triều Tiên đã tỏ thái độ hợp tác nhưng cả Washington và Seoul vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ nới lỏng áp lực đối với chính quyền Kim Jong-un. Cả Mỹ và Hàn Quốc vẫn quan ngại về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, và cam kết duy trì chính sách kiềm chế mạnh là "trừng phạt kinh tế và cô lập chính trị" để buộc chế độ này phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo chuyên gia phân tích về Triều Tiên, ông Daniel Pinkston ở Trung tâm Nghiên cứu Xung đột của trường Đại học Babes-Bolyai tại Romania, phần lớn cộng đồng quốc tế vẫn hoài nghi về các nỗ lực ngoại giao mới đây của Triều Tiên như tham gia nối lại tổ chức cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và không tiến hành phóng thử tên lửa mặc dù trước đó đã bóng gió đề cập đến.
Theo Thỏa thuận chung giữa sáu bên (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) đạt được năm 2005, Bình Nhưỡng đã đồng ý bãi bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ kinh tế, bảo đảm an ninh và cải thiện quan hệ đối ngoại.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã không tôn trọng cam kết và đã đơn phương tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trong những năm 2006, 2009 và 2013, buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp chế tài trừng phạt đối với Triều Tiên. Cả Washington và Seoul đã kêu gọi Bình Nhưỡng phải ngừng các chương trình hạt nhân theo đúng tinh thần của Thỏa thuận chung năm 2005 trước khi bước vào bất cứ cuộc đàm phán quốc tế mới nào.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo ngày 21/10 cho hay quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã phục hồi nhanh hơn dự kiến. Mặc dù Trung Quốc ủng hộ việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và các biện pháp chế tài trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc năm 2013, nhưng Bắc Kinh cũng cung cấp những trợ giúp kinh tế thiết yếu để Triều Tiên có thể duy trì sự ổn định ở biên giới Trung - Triều và trong khu vực.
Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 vừa kết thúc hồi tháng Chín, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong nhấn mạnh cần khẩn cấp ký kết một hiệp định hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến sau Chiến tranh Triều Tiên.
Đầu tháng 10 này, Bình Nhưỡng đã nhắc lại lời kêu gọi ký hiệp định hòa bình với Mỹ, cho rằng một hiệp định như vậy sẽ giúp kiểm soát căng thẳng và xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Từ sau chiến tranh Triều Tiên, bán đảo này về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chưa có một hiệp định hòa bình được chính thức ký kết. Mỹ vẫn đang có 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
