Trên – dưới đồng lòng, kinh tế bứt phá
![]() | Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/3 |
![]() | Hội thảo “Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu: Đương đầu thách thức” |
Bứt phá để nâng chất cho tăng trưởng
Tại buổi đối thoại DN tư nhân cùng Chính phủ "bứt phá" do Kênh truyền hình VITV tổ chức mới đây, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu xuyên suốt trong nhiều năm qua và thực tế Chính phủ đã thực hiện thành công. Đặc biệt năm 2018, mặc dù kinh tế toàn cầu có nhiều biến động mạnh, song các cân đối lớn của nền kinh tế đều được bảo đảm và tăng trưởng kinh tế 2018 đạt mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây.
“Nền tảng quan trọng nhất cho bứt phá năm 2019 chính là tiếp tục củng cố nền tảng ổn định KTVM như đã đạt được trong các năm gần đây và mục tiêu này không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung hạn”, ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng như mong muốn là kết quả tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm đảm bảo về chính sách vĩ mô và đảm bảo về nguồn lực để thực hiện. “Như trong các năm 2017-2018, về cơ bản đã sửa xong các luật liên quan đến tạo môi trường bình đẳng cho các DN, hay có các văn bản pháp quy để xử lý các điểm nghẽn của nền kinh tế, điển hình như Nghị quyết 42 về XLNX. Trong khi đó liên tục trong các năm gần đây chúng ta thấy CSTT luôn là điểm nhấn thành công trong điều hành KTVM, đồng thời CSTK cũng dần cải thiện, thể hiện ở các khoản thu ngân sách tốt hơn trong khi các khoản chi tương đối được kiểm soát chặt chẽ”, ông Kiên nói và nhận định: “Như vậy, chúng ta đã và đang có những tiền đề để phát triển nhanh, bền vững. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP mà phải trả lời được câu hỏi, người dân Việt Nam được hưởng lợi gì từ tăng trưởng kinh tế đó”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, bứt phá ở đây không phải về chỉ tiêu kinh tế hay con số tăng trưởng cụ thể mà bứt phá về tư duy, về MTKD và cải cách TTHC. “Điều ấy có nghĩa là chúng ta cần tìm ra những vấn đề cốt lõi và bứt phá giải quyết để từ đó dần dần có được tăng trưởng kinh tế bền vững”, ông Thân nói.
Quan điểm trên nhận được sự chia sẻ của nhiều vị tham gia buổi đối thoại. Như theo ông Hoàng Trường Giang –Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm nay là phù hợp, thể hiện sự thận trọng trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động và nền kinh tế đã có độ mở rất lớn với kinh tế thế giới hiện nay. Hơn nữa, chất lượng tăng trưởng như thế nào là điều quan trọng, vì từ đó sẽ thể hiện được sự song hành của tăng trưởng nhanh và bền vững.
Mấu chốt là tạo lập sân chơi công bằng
Tin tưởng nền kinh tế có thể bứt phá, ông Hoàng Trường Giang cho rằng các yếu tố chính sẽ đến từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng vốn của khu vực kinh tế tư nhân, cùng với đó là tập trung vào các chính sách và giải pháp để tăng NSLĐ cũng tiếp tục cải cách về thể chế.
Đồng tình với quan điểm này nhưng ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội DN Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, với cộng đồng DN, cải cách thể chế hay cải thiện MTKD chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là những cải cách đó đi đến đâu, được hiện thực hóa ra sao để mang tới chất lượng và sự phát triển bền vững.
“Chính phủ nhấn trọng điểm là bứt phá về thể chế, cải thiện MTKD. Những bứt phá như vậy về thời điểm là rất phù hợp vì nền kinh tế đang có khí thế của đà phát triển trong mấy năm vừa rồi. Nhưng các bứt phá cần làm sao thực sự có chất lượng, hiệu quả để cộng đồng DN - dù đó là đối tượng DN nào – cũng có được sự quan tâm đúng mực. Do đó, quan trọng nhất là tạo lập được sân chơi công bằng và khi đó DN sẽ sẵn sàng bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh”, ông Đoàn nói.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện MTKD, đồng hành với cộng đồng DN đặc biệt là trong 2 năm qua, nhưng ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch Công ty tư vấn Y Dược IMC cho rằng, thực tế vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. “Thủ tướng đã nói một năm chỉ một đoàn xuống thanh kiểm tra DN thôi nhưng thực tế chúng tôi thấy vẫn có nhiều đoàn xuống: Thanh, kiểm tra về an toàn lao động một đoàn riêng; kiểm tra về môi trường một đoàn riêng… Điều đó gây mất thời gian, làm giảm năng lực cạnh tranh và cơ hội của DN”, ông Hoàng cho biết.
Từ những thực tế như vậy, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, bên cạnh bứt phá về thể chế còn cần bứt phá cả về bộ máy, con người. Hiện bộ máy quản lý vẫn còn rất cồng kềnh, có chỗ tốt, có chỗ chưa tốt, chưa đồng hành và một số DN phản ánh có những chi phí bị tăng lên, các thủ tục vẫn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn ở một số nơi. Điều đó cho thấy phía trên đã rất quyết liệt, nhưng các cấp phía dưới cũng cần quyết tâm để không những Chính phủ bứt phá mà các bộ, ngành, các địa phương cũng phải bứt phá.
Còn về cộng đồng DN tư nhân, ông Đoàn cho biết: “Hầu hết các DN đều có sẵn quyết tâm bứt phá rồi và mong muốn làm sao tận dụng được tốt cơ hội để có thể phát triển được, làm cho chính DN của họ mạnh lên cũng như đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Thế nên nếu cả Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và DN cùng đồng lòng thì sẽ rất thuận lợi cho bức tranh kinh tế trong năm nay”.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
