Tranh thủ thị trường tốt để lên sàn
Muốn niêm yết, phải chuẩn bị đầy đủ
Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (Đề án) yêu cầu thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTMCP theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng và phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Bởi thế năm 2021 chứng kiến nhiều ngân hàng đổ bộ lên sàn chứng khoán như Viet A Bank (VAB), OCB (OCB), SeABank (SSB), Bac A Bank (BAB)… Theo các chuyên gia, việc lên sàn thời gian này là khá thuận khi thị trường chứng khoán năm qua tăng trưởng mạnh, giá cổ phiếu ngân hàng tăng cao.
![]() |
Lên sàn sẽ nâng cao uy tín thương hiệu cho các ngân hàng |
Tuy nhiên tính tới thời điểm này, vẫn còn 3 ngân hàng PVcomBank, SCB và BaoVietBank chưa tiến hành niêm yết. Trong ba ngân hàng này, SCB là ngân hàng có kế hoạch cụ thể hơn khi tại ĐHĐCĐ bất thường của ngân hàng này tổ chức cuối năm 2020 đã thông qua chủ trương tăng vốn và lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên HoSE chậm nhất vào năm 2025.
Việc niêm yết trên sàn chứng khoán rõ ràng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc huy động thêm vốn, kiểm soát các chỉ số về tài chính, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng; và từ đó gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nâng cao vị thế của ngân hàng.
Thế nhưng vấn đề là không phải ngân hàng nào cũng có đủ điều kiện để niêm yết. Theo các chuyên gia, niêm yết trên sàn chứng khoán đồng nghĩa với minh bạch thông tin, nếu kết quả kinh doanh của ngân hàng không khả quan, các chỉ số tài chính không đảm bảo đều sẽ được nhìn thấy. Điều này cũng là lý do khiến ngân hàng chậm trễ, bởi nếu lên sàn trong tình hình như vậy thì định giá cổ phiếu chắc chắn sẽ không sáng sủa gì. “Việc lên sàn chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của cổ đông và người đứng đầu ngân hàng. Song đây không phải là lý do, chủ yếu là ngân hàng chưa chuẩn bị đầy đủ”, vị chuyên gia này nhận định thêm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, với một số ngân hàng đang trong thời gian tái cơ cấu, họ có những mục tiêu trong việc cải thiện, hoàn thiện các vấn đề của nội bộ, quy trình hoạt động, xử lý nợ xấu, các chỉ báo tài chính khác… cấp bách hơn so với việc thực hiện niêm yết. Yếu tố nội bộ buộc ngân hàng cần phải kiện toàn, hay đâu đó còn những vướng mắc, khuyết điểm cần phải khắc phục trước khi đem “show” ra bên ngoài. Chưa kể việc niêm yết cũng có những điều kiện đặt ra bắt buộc những ngân hàng này phải đáp ứng liên quan đến tình hình tài chính, như nếu niêm yết trên UpCoM thì không có ràng buộc quá nhiều, song những sàn tập trung như HoSE, HNX thì điều kiện sẽ ngặt nghèo hơn, muốn niêm yết cần một quá trình chuyển đổi.
Thời điểm thuận lợi để lên sàn
Đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, giới chuyên môn đều có chung nhận định thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng. Bởi hiện tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam đạt mức khá cao, việc chuyển sang thích ứng “bình thường mới” với dịch Covid-19 cũng sẽ tác động nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, và kinh tế phục hồi là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nói chung. Cùng với đó, các gói hỗ trợ chính sách của Chính phủ đang được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán năm 2022.
Chưa kể thị trường cổ phiếu của Việt Nam hiện đã tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân trên TTCK Việt Nam năm 2021 đạt gần 26.000 tỷ đồng/phiên (khoảng 1,13 tỷ USD), tăng 250% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 430 triệu USD/phiên. Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân phiên của TTCK Indonesia là 800 triệu USD/ngày, Singapore là 500 triệu USD/ngày... Đây là điểm sáng thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam.
Trên thực tế khối ngoại đã quay trở lại TTCK Việt Nam khi mua ròng từ đầu năm 2022. Trong số các ngành thu hút mạnh dòng vốn ngoại trên thị trường thì ngân hàng luôn là nhóm có tỷ trọng lớn trong danh mục của các quỹ đầu tư. Ngoài ra, nhóm này còn có nhiều tiềm năng tăng giá do mặt bằng định giá ở mức hấp dẫn…
Theo giới chuyên môn, các ngân hàng nên tranh thủ diễn biến thị trường chứng khoán tích cực, nhất là dòng tiền đang ưa thích cổ phiếu ngân hàng để lên sàn sẽ thuận lợi hơn nhiều, giá cổ phiếu sẽ tốt hơn giai đoạn thị trường khó khăn. Việc lên sàn giúp khả năng tăng vốn của các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn, các chỉ số tài chính được cải thiện sớm về đích với lộ trình tái cơ cấu, áp dụng chuẩn Basel II. Minh chứng là nhiều ngân hàng đã niêm yết trước đó đem lại được nguồn lợi rất lớn về huy động vốn, chỉ số sức khoẻ tài chính, truyền thông tới ngân hàng… thương hiệu ngân hàng có dấu ấn hơn trong tâm trí nhà đầu tư. Trong khi vốn luôn là vấn đề sống còn đối với ngân hàng. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III, tăng vốn cũng giúp các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô kinh doanh để tận dụng cơ hội nền kinh tế phục hồi.
Hơn nữa, việc lên sàn giúp các ngân hàng nâng cao được sự công khai, minh bạch thì sẽ tỷ lệ thuận với thiện cảm của các nhà đầu tư dành cho ngân hàng, đặc biệt là các đối tác nước ngoài trong việc rót vốn cho ngân hàng. “Nếu kêu gọi được cổ đông chiến lược, ngân hàng sẽ phải bán với một mức giá chiết khấu nhất định, nhưng ngược lại họ sẽ giúp cho ngân hàng an tâm về tài chính, kinh nghiệm quản lý quản trị, hoạt động ngân hàng hoặc mở ra cho ngân hàng cơ hội kinh doanh mới tốt hơn nhiều”, chuyên gia chia sẻ. Chuyện niêm yết là câu chuyện tất yếu, không thể không làm, nên những ngân hàng chưa lên sàn cần phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng cho việc này”, vị này cho hay.
Tin liên quan
Tin khác

Chứng khoán Mỹ lại “đỏ lửa” vì căng thẳng thương mại

ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% trong năm 2025

Cổ phiếu toàn cầu phục hồi, nhưng rủi ro thuế quan vẫn còn lớn

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau quyết định hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump

Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp vì nỗi lo thuế quan

Sacombank có thể không chia cổ tức trong năm nay

Cổ phiếu châu Á phục hồi, dẫn đầu là Nhật Bản, nhờ lạc quan về thương mại

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần do nỗi lo suy thoái, lạm phát

Thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa: Cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam
