Trải nghiệm lễ hội Quán Thế Âm
Mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo
Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, thể hiện nỗ lực của địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên nhân dịp khánh thành chùa Quán Thế Âm vào năm 1956. Những năm tiếp theo, lễ hội vẫn được duy trì song chỉ gói gọn trong nội bộ chùa Quán Thế Âm. Năm 2000, lễ hội được Tổng cục Du lịch xếp hạng vào danh mục 15 lễ hội lớn, tham gia chương trình "Chào đón Thiên niên kỷ mới của quốc gia". Năm 2021, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội Quán Thế Âm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023, lễ hội được UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.
![]() |
Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm 2024 - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Phát biểu tại chương trình khai mạc lễ hội Quán Thế Âm năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường nhấn mạnh: Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng, là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và miền di sản Ngũ Hành Sơn. Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam, thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc. Đồng thời, là dịp để du khách chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Đà Nẵng, đó là danh thắng Ngũ Hành Sơn với nhiều di sản văn hóa có giá trị đang trường tồn cùng với thời gian và ngày càng được phát huy hiệu quả.
Lễ hội Quán Thế Âm dần dần trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo vốn đã đi sâu vào đời sống tinh thần của nhiều người. Từ đó, đã góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương, góp phần phát triển về du lịch.
Nhiều trải nghiệm tại lễ hội
Ông Tạ Tự Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2024) và là 1 trong 4 sự kiện văn hóa - lễ hội được xem là điểm nhấn của thành phố trong năm 2024, những hoạt động văn hóa, giải trí tại lễ hội Quán Thế Âm năm nay được tổ chức đa dạng, quy mô và bài bản hơn. Du khách và các tầng lớp nhân dân đến với lễ hội được tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa cùng nhiều trải nghiệm mới… Lễ hội cũng là dịp mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo.
Cụ thể, chương trình đua thuyền tại lễ hội năm nay tái hiện lại cảnh tướng Trần Khắc Chung giải cứu Huyền Trân Công Chúa mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa; hoặc hoạt động chạy bộ Olympic "Vì hòa bình" có sự tham gia của các tổng lãnh sự quán tại Đà Nẵng và đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện để bạn bè quốc tế tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Lễ hội còn có nhiều điểm mới khác như thi trực họa; thi viết cảm nhận về Thư viện Vạn Hạnh; tọa đàm về phát huy giá trị lễ hội Quán Thế Âm và các di sản văn hóa trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; tổ chức các gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước, các gian hàng OCOP giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Xuyên suốt lễ hội là các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc như chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật đến từ Nhật Bản, Thái Lan; hô hát bài chòi; triển lãm ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, hội họa, thư pháp; hội hoa đăng, lửa trại; không gian ẩm thực chay Việt; diễu hành xe hoa chào mừng ngày kỷ niệm giải phóng thành phố cũng như tuyên truyền, quảng bá về lễ hội trên các tuyến đường chính của thành phố…
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, chùa Quán Thế Âm đã tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo như khai giảng khóa tu Hạnh nguyện Quán Âm, lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, lễ tế Xuân cầu quốc thái dân an…; mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu. Những hoạt động này sẽ góp phần khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người. Đồng thời, giáo dục thanh thiếu niên ở cả 3 phương diện đức dục, trí dục và thể dục trên nền tảng những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa giữa "Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp".
Để phát huy và lan tỏa hơn nữa những giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội cũng như của danh thắng Ngũ Hành Sơn đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính khoa học vừa phù hợp với văn hóa địa phương, vừa để lễ hội Quán Thế Âm xứng tầm với danh xưng di sản phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, cần phát huy giá trị lễ hội trong tổng thể các giá trị văn hóa, lịch sử của cả quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Hà Nội: Bảo đảm công tác văn thư, lưu trữ thông suốt khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng biểu dương lao động giỏi

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Nam A Bank Vietnam Footgolf Open 2025 chính thức khởi tranh
