TP.HCM: Nhiều vi phạm trong sử dụng đất công
UBND TP.HCM cho biết, hiện có 70 vị trí đất đai với tổng diện tích là 1.389.542 m2 theo hình thức đấu giá mà doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc quản lý của UBND TP.HCM đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở trong thời gian từ năm 2011 đến 31/12/2021.
Tuy nhiên, đã có không ít vi phạm được phát hiện qua thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn năm 2011-2021, và chủ yếu là vi phạm của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án.
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng hoặc hợp tác góp vốn bằng tài sản là công trình trên đất, sau đó chuyển quyền được thuê đất của Nhà nước và quyền được phát triển dự án, quyền thuê đất của Nhà nước cho các đối tác hoặc pháp nhân mới để toàn quyền thực hiện phát triển dự án. Việc doanh nghiệp nhà nước thực hiện góp vốn tham gia liên doanh, liên kết, hoặc thành lập công ty liên doanh, liên kết để triển khai các dự án kinh doanh bất động sản thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư nhưng không thông qua thủ tục đấu thầu chọn nhà đầu tư, hoặc đấu giá bán tài sản (dự án đầu tư). Hoạt động này đã biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như hợp đồng góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng... nhưng bản chất vẫn là góp vốn quyền thuê đất.
Có trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng hợp đồng hợp tác để cập nhật thông tin biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó giao cho đối tác toàn quyền triển khai, thực hiện dự án, khai thác, kinh doanh dự án mà chưa được chủ sở hữu và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Khi hợp tác đầu tư, doanh nghiệp nhà nước không thẩm định lợi thế quyền thuê đất, lợi thế mặt bằng làm cơ sở góp vốn; giao toàn quyền cho đối tác khai khác dự án và phân chia lợi nhuận cố định mà không cử nhân sự tham gia, hoặc cử nhân sự không có đủ năng lực chuyên môn tham gia Ban điều phối dự án. Một số doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê, sử dụng đất đai, mặt bằng không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Qua thanh tra, đã phát hiện các vi phạm về tài chính 215 tỷ đồng; vi phạm về đất đai 6.433.569,5 m2 đất. TP.HCM đã xử lý kỷ luật hành chính 11 tổ chức và 18 cá nhân và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự 7 vụ việc.
Ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, thời gian qua, công tác phối hợp, quản lý dự án đầu tư xây dựng giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố chưa thật sự chặt chẽ; thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên để phát sinh nhiều vi phạm; Các sở, ngành chuyên môn tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc đánh giá, nhận định và áp dụng các quy định pháp luật chưa đầy đủ nên tham mưu thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp quy định pháp luật; Người quản lý doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt những vị trí đứng đầu như Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận thức không đầy đủ về trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và chưa đảm bảo lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và Nhà nước…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này, lãnh đạo UBND TP.HCM đề xuất, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản công; xử lý và thu hồi ngay đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, các dự án có sai phạm trong đấu thầu, đấu giá; tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đảm bảo sử dụng đúng mục đích tại phương án sử dụng được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng sai mục đích; tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý đất đai điện tử.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
