TP.HCM: Khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh
![]() | Để hộ kinh doanh vươn mình lớn dậy |
![]() | Hộ kinh doanh chưa cảm nhận được lợi ích khi trở thành DN |
Ngại thủ tục và sợ đóng nhiều thuế
Khảo sát thực tế của Cục Thống kê TP. HCM cho thấy, thành phố hiện có khoảng 275.000 hộ kinh doanh cá thể, đang đóng góp khoảng 2% vào ngân sách thành phố. Cục Thuế TP.HCM thống kê, hơn 14,8 nghìn hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn; hơn 21,2 nghìn hộ kinh doanh lớn (theo tiêu chí doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng), nhưng không sử dụng hóa đơn.
![]() |
Các hộ kinh doanh chưa muốn lên DN vì sợ thủ tục còn phức tạp |
Ông Lê Văn Đức là chủ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở quận Gò Vấp có số lượng khách ổn định và thu nhập hàng chục triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, nếu chuyển đổi lên DN, bắt buộc phải sử dụng hóa đơn, chứng từ thu, chi thì cửa hàng buộc phải lấy hàng nguyên liệu chế biến từ DN có sử dụng hóa đơn. Trong khi hiện nay, nguyên liệu chế biến thực phẩm được lấy từ nhiều nguồn chủ yếu là mối quen biết làm ăn, sử dụng giấy viết tay chứ không có hóa đơn, chứng từ theo mẫu và khách hàng đến ăn uống cũng không xuất hóa đơn.
“Từ đó, gia đình phải thuê thêm người làm kế toán sổ sách, kê khai thuế như vậy quá phức tạp và tốn kém, trong khi lượng khách hàng vẫn như trước thì chúng tôi sẽ bị thiệt” ông Đức nói.
Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thanh Liên một hộ kinh doanh ở quận 10, là người đã đi tìm hiểu thủ tục chuyển đổi cho biết, theo quy định, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh để làm thủ tục chuyển đổi lên DN. Vậy trong thời gian tạm ngưng kinh doanh, phần thiệt thuộc về hộ kinh doanh!
Được biết, hầu hết hộ kinh doanh hiện nay đều chưa tham gia bảo hiểm tài sản và đóng bảo hiểm cho người lao động, và khi chuyển thành DN, họ sẽ phải thực hiện đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc theo quy định. Như vậy, chi phí hoạt động của hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN sẽ bị tăng lên nữa.
Khi tiếp xúc với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một số hộ kinh doanh có doanh thu khá ở quận Tân Phú cho rằng, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN còn phức tạp, rườm rà, tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, những hộ kinh doanh ngành nghề có điều kiện, sau khi chuyển đổi hình thức hoạt động thì phải xin lại hàng loạt các giấy phép khác như Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn xếp hạng, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự... với thủ tục rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, họ chưa mặn mà với việc chuyển đổi.
Ưu đãi để tạo động lực chuyển đổi
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhận định “Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN nhằm tạo thêm nhiều cơ hội tốt hơn cho hộ cá thể mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Điều này góp phần phát triển mạnh mẽ hệ thống DN Việt Nam theo tiêu chí bền vững, có năng lực cạnh tranh”. Bà Cúc cho rằng, đội ngũ DNNVV đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sử dụng khoảng 50% lao động chính thức tại Việt Nam. Vì vậy, DNNVV là nền tảng để phát triển hệ thống DN lớn mạnh và thúc đẩy nền kinh tế.
Để việc chuyển đổi được khả thi hơn, ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Cải cách môi trường kinh doanh, tính đến phát triển các DNNVV từ hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy “kinh tế” hơn là “mệnh lệnh hành chính”. Điều quan trọng nhất là để cho họ thấy được lợi ích lớn khi trở thành DN”. Theo đó, ông cho rằng cần cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh nhằm giảm chi phí và thời gian cho hoạt động phụ trợ. Các cơ quan chức năng phải rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật về thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động, nhằm đánh giá, bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định gây cản trở hoạt động hoặc tạo ra gánh nặng pháp lý quá mức đối với DN nhỏ.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. HCM cho biết, TP.HCM cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình kích cầu đầu tư, như gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ; Gói hỗ trợ DN khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN trị giá 1.000 tỷ đồng; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp… Với quyết tâm tạo sự thông thoáng cho các hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN, Phó chủ tịch UBND TP. HCM đã yêu cầu thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh trong 2 ngày làm việc; giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh trong 1 ngày làm việc; xem xét cấp lại các giấy phép kinh doanh trong 2 ngày làm việc…
Ông Liêm khẳng định, mục tiêu của thành phố trong việc phát triển DN là không chỉ gia tăng về số lượng mà phải mang lại hiệu quả kinh tế thực chất. “Phải đề ra các giải pháp chiến lược, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả DN” ông Liêm nói.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
