TP.HCM: Bất động sản gặp khó, chính quyền hứa vào cuộc tháo gỡ
![]() |
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bất động sản TP.HCM chủ yếu do chính sách của nhà nước, từ Luật đến Nghị định, đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu thực tiễn, dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, thậm chí nhiều cuộc thanh tra bị treo đến 2 - 3 năm vẫn chưa có kết quả.
Mặc dù thời gian qua, những ách tắc này đã được UBND Thành phố họp bàn nhiều lần và có sự chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết triệt để bởi nhiều vướng mắc còn phải chờ sự xem xét, chỉ đạo từ Chính phủ. Vì vậy, đây cũng chính là lý do khoảng vài năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đã rời khỏi TP.HCM để đi đầu tư tại các tỉnh thành khác, chứ không thể ngồi ôm khó khăn, mòn mỏi chờ đợi mãi.
Bổ sung ý kiến trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nêu ra những vướng mắc chủ yếu về pháp lý và thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng “bất động” của nhiều dự án bất động sản trong 2 năm qua.
Theo ông Châu, trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh bất động sản của Thành phố bị sụt giảm mạnh. Nguồn thu ngân sách về tiền sử dụng đất cũng bị sụt giảm đáng kể: năm 2018 giảm 22,5%; 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn Thành phố lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, riêng 76 doanh nghiệp xây dựng - bất động sản nợ thuế với tổng số tiền sử dụng đất là 794 tỷ đồng.
Đồng thời, trong quý I/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 Giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án), giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.
Bên cạnh đó, hiện Thành phố còn 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi, trong khi không ít mặt bằng đang thực hiện dở dang các dự án. Đặc biệt, công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố đều bị chậm trễ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa giải quyết xong, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND Thành phố.
“Nguyên nhân trực tiếp là do một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến. Chúng tôi nhận thấy chưa có khung cơ chế về quy trình tính giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP.HCM, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo khung cơ chế này thì yên tâm và được an toàn”, ông Châu mạnh dạn nêu ý kiến.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận, hiện tại cơ chế pháp lý cũng đang có sự chồng chéo lẫn nhau, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Hiện trên địa bàn Thành phố có 36.000 công trình xây dựng, nhưng trong quý I/2019, mức tăng trưởng đã giảm so với cùng kỳ, dự báo năm tới sẽ ảnh hưởng nếu như chúng ta không có giải pháp xoay chuyển tình thế.
Tại Hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang mắc phải, UBND Thành phố cũng đã nắm bắt được tình hình và đang tím cách tháo gỡ. Tuy nhiên, mỗi vấn đề khó khăn đều có nguyên nhân của nó, UBND Thành phố hiện tại cũng đang chịu rất nhiều áp lực, trong thực tế cơ chế quản lý hiện cũng đang có những thiếu sót. UBND Thành phố cũng đã làm việc với thanh tra Chính phủ, sai tới đâu thì xử lý tới đó và phải xử lý một cách triệt để, tận gốc.
“Để xảy ra những khó khăn này ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư, trước mắt Thành phố xin nhận trách nhiệm về phía mình và sắp tới phải có hướng giải quyết cụ thể”, ông Tuyến nói.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
