TP. HCM: Cấp giấy xây dựng tạm còn nhiều lúng túng
![]() | TP. HCM: Đề xuất cơ chế một cửa cấp phép xây dựng công trình |
![]() | Ban hành danh mục các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng |
Nhiều địa phương than khó
Tại cuộc họp triển khai Quyết định 26, nhiều địa phương cho biết quyết định không nói rõ về việc CPXD đối với đất quy hoạch là hỗn hợp và dân cư xây dựng mới như Quyết định 27/2014 trước đây. Điều này khiến các địa phương bối rối trong cách giải quyết.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, mới đây, UBND huyện Bình Chánh có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng TP. HCM về việc phần lớn diện tích của địa phương do khu Nam Sài Gòn quản lý. Theo đó, khu Nam Sài Gòn chỉ mới thực hiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000. Trong khi đó, Quyết định 26 sử dụng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Như vậy, đến ngày thực hiện, huyện Bình Chánh vẫn không tiến hành áp dụng được cho một trường hợp nào vì chưa có quy hoạch 1/2.000 như quy định.
Thậm chí có quận còn cho rằng, lâu nay các quận, huyện vẫn dựa vào quy hoạch 1/2.000 để CPXD cho người dân. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng 2014, điều kiện cần để CPXD chính thức là phải “phù hợp quy hoạch chi tiết (tức quy hoạch 1/500)”, nếu chưa có quy hoạch 1/500 thì phải “phù hợp quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị”.
Trong buổi triển khai thực hiện nghị quyết này, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho hay, việc CPXD nhà ở đối với khu đất lớn gặp vướng mắc ở chỗ chủ đầu tư lách luật, xin CPXD một căn nhà rồi chẻ thành nhiều căn để bán: “Họ xây nhà theo đúng mật độ xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng nhưng trổ nhiều cửa rồi chia thành nhiều căn”. Ngoài ra, vị này còn đề nghị bổ sung chế tài về trách nhiệm của đơn vị đo vẽ bản vẽ CPXD vì 50% hồ sơ bị bổ sung điều chỉnh là liên quan đến bản vẽ.
Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 2 Huỳnh Văn Tâm cho biết, người dân quận 2 rất quan tâm đến việc được CPXD cho nhà, đất thuộc khu vực quy hoạch treo nhưng hiện các quy định chưa rõ ràng và mâu thuẫn khi yêu cầu công trình nhà ở, đất ở phải phù hợp mục đích sử dụng đất ở vẫn chưa có một hướng dẫn, quy định chung rõ ràng…
Giấy tạm là giải pháp tình thế
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Trọng Tuấn, điều kiện để được CPXD chính thức là phải phù hợp với mục đích sử dụng đất, phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong khu đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị. Ngoài ra đất phải không được tranh chấp, khiếu nại.
Tại TP. HCM, hiện việc CPXD đang dựa vào Quyết định 135/2007, Quyết định 45/2012 của thành phố về quy chế quản lý kiến trúc cho nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu kết hợp thêm các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng. Do đó, việc CPXD được giải quyết đánh đồng cho mọi trường hợp nhà ở riêng lẻ tại đô thị, trong khi từng khu vực sẽ có những chỉ tiêu, quy chế quản lý riêng. Thậm chí, nhà ở nông thôn tại các xã ở các huyện ngoại thành cũng áp dụng các văn bản của nhà ở đô thị. Điều này là chưa phù hợp, do đó cần phải sớm thực hiện một trong ba yếu tố nêu trên để làm cơ sở CPXD.
Cụ thể, đối với đất trống không phù hợp quy hoạch thì được xây dựng các công trình nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời không có mái che (như sân thể thao, sân chơi, lắp đặt các thiết bị phục vụ thể thao) và các công trình phụ trợ (như nhà vệ sinh, căng tin, phòng thay đồ). Quy mô tối đa là 1 tầng, mật độ xây dựng không quá 5% trên diện tích khu đất không vi phạm hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch; hành lang an toàn đường bộ và hành lang bảo vệ các công trình kỹ thuật.
Theo lộ trình triển khai Quyết định 26, các quận, huyện trên địa bàn TP. HCM có thể giải quyết 50% hồ sơ hiện đang vướng mắc về CPXD.
“Quyết định CPXD tạm trên đất quy hoạch ra đời bảo đảm tính thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống. Sở dĩ xảy ra việc phải CPXD tạm mà không cấp giấy phép vĩnh viễn là do bên cạnh việc đẩy mạnh các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc dự án "rùa bò", dự án "treo" đã ảnh hưởng quyền lợi của nhiều người dân; có nhà, có đất nhưng không được phép nâng cấp, sửa chữa”, ông Tuấn khẳng định.
Người dân có thể nộp hồ sơ xin GPXD tạm: Đối với các công trình có kiến trúc cấp I, II, người dân phải đến Sở Xây dựng TP.HCM để nộp hồ sơ. Còn tại quận, huyện tổ chức thực hiện cấp giấy phép xây dựng theo thẩm quyền đã được quy định tại khoản 3 điều 103 Luật Xây dựng năm 2014, bao gồm: nhà ở riêng lẻ, công trình tín ngưỡng, quảng cáo, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và các công trình còn lại thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Những giấy tờ cần thiết gồm: Đơn xin cấp giấy phép xây dựng, bản photocopy những giấy tờ về quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế thể hiện mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính, mặt bằng móng của công trình, sơ đồ vị trí… |
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
