Tìm đường tới thị trường Italia có dễ?
Theo bà Natalia Sanginiti- Phó đại sứ Italia tại Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, lúc đó cơ hội và lợi ích sẽ còn rộng mở hơn nữa cho các DN Việt Nam tham gia vào các hoạt động thương mại, đầu tư đa dạng tại Italia.
![]() |
Việt Nam hiện là nhà cung ứng lớn thứ 15 và đứng thứ 19 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Italia |
Tuy nhiên, tình hình mới buộc DN Việt Nam nói chung và DN sản xuất nói riêng cần phải thích nghi chủ động, tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao năng lực để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu chất lượng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có khối EU nhằm hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 6 tỷ USD trong năm 2018.
Với thị trường Italia, Việt Nam hiện là nhà cung ứng lớn thứ 15 và đứng thứ 19 trong số các nước xuất khẩu của quốc gia này. Nhưng hiện tại, chuỗi cung ứng từ Việt Nam sang Italia có quá nhiều các bên trung gian, nên để có thể hạ giá thành sản phẩm, DN Việt cần có sự tương tác chặt chẽ với thị trường tiêu dùng Ý để nắm chắc tình hình nguồn cầu, từ đó mới có thể dự báo và lập kế hoạch cung ứng hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác xuất khẩu.
Đón đầu nhu cầu này, Phòng Thương mại Italia (ICHAM) tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại quốc tế Italia (AICE) lần đầu tiên đã cùng giới thiệu đến DN Việt Nam về tiềm năng cũng như xu hướng tiêu dùng của thị trường của Italia qua hội thảo "Xúc tiến Thương mại Việt Nam - Italia".
“Việt Nam có nhiều DN, tập đoàn có thế mạnh trong ngành nông nghiệp, trong khi nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, nông sản của thị trường Italia lại rất lớn. Đây chính là cơ hội để các DN Việt Nam có thể thâm nhập thị trường tiêu dùng với dân số hơn 60 triệu người này, và là cầu nối quan trọng tới thị trường 500 triệu dân của châu Âu (EU)”, ông Michele D’Ercole - Chủ tịch ICHAM tại Việt Nam mở đầu hội thảo.
Là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu sau Anh và Đức, hiện nhu cầu tiêu dùng tại Italia đã dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Quốc gia này có nhiều thế mạnh về cơ khí chế tạo, đặc biệt là chế tạo máy công cụ cỡ nhỏ và vừa, cơ điện tử, thiết bị chế biến thực phẩm, máy móc cho các ngành da giày, may mặc, đồ gỗ, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học...
Đồng thời, Italia cũng là quốc gia đứng vị trí thứ 9 thế giới về xuất khẩu và thứ 13 thế giới về nhập khẩu. Đặc biệt, Italia có nhu cầu nhập khẩu rất lớn về nông - thủy sản, không chỉ để đáp ứng tiêu dùng nội địa, mà còn của hàng chục triệu khách du lịch tới đây hàng năm.
Đơn cử, mỗi năm Italia có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thủy sản; đứng 4 thế giới về nhập khẩu cà phê với trị giá 1,67 tỷ USD, chiếm 5,6% thị phần thế giới, chỉ sau Mỹ, Đức, Pháp 79%. Riêng năm 2016, Italia nhập 31 triệu USD sản phẩm hạt điều từ Việt Nam, và Việt Nam cũng là nhà cung ứng hạt điều lớn nhất ở Ý với thị phần là 60%...
Song các DN Việt cần lưu ý là thuế giá trị gia tăng tại Italia rất cao, lên tới 22% với hầu hết các sản phẩm. Thêm nữa, việc xuất khẩu nhiều sản phẩm vào Italia vẫn phải qua các đầu mối thương mại ở châu Âu, mà không trực tiếp từ các nước sản xuất. Vì vậy, các DN Việt cần tính toán kỹ giá thành của sản phẩm để xuất khẩu cho phù hợp, ông David Doninotti - Tổng Thư ký AICE bổ sung thêm.
Việt Nam và Italia đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (năm 2013) nhưng trên thực tế, nhiều người tiêu dùng Italia chưa biết đến các thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, ông Michele D’Ercole - Chủ tịch ICHAM tại Việt Nam cho rằng, khi xuất khẩu vào Italia cần đặc biệt quan tâm đến quy định đối với bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Theo đó, để thâm nhập thành công thị trường này, các DN phải bảo đảm cả về chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Nghĩa là hàng hóa vừa phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã bắt mắt, có sự khác biệt nhưng vẫn phải tương đồng với các tiêu chuẩn của châu Âu. Đây là vấn đề mấu chốt để hàng Việt có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường Italia cũng như EU.
Chính vì thế, các DN xuất khẩu Việt Nam nên khảo sát kỹ thị trường Italia nhằm tiếp cận người tiêu dùng, xem thị hiếu tiêu dùng và tham gia các hội chợ tổ chức ở đây. Để tiện cho việc giới thiệu sản phẩm với DN Italia , ngoài việc cần phải có website, bảng báo giá, catalogue… tất cả bằng tiếng Anh, còn cần phải giữ liên lạc thường xuyên. Và khi sản phẩm được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Ý, DN Việt Nam sẽ bớt được các chi phí trung gian, ông Michele DErcole nhấn mạnh.
Hiện Italia có 4 triệu DNNVV, trong đó có hơn 200.000 DN xuất khẩu và hơn 300.000 DN nhập khẩu. AICE và cùng với ICHAM tại Việt Nam giúp thu hẹp khoảng cách giữa DN hai nước. ICHAM hay AICE là những cơ quan đại diện nắm rất vững, rất sâu về nền kinh tế thị trường của hai quốc gia, luôn sẵn sàng đồng hành cùng các DN trong việc xúc tiến thương mại. Có một sự hỗ trợ rất thiết thực cho các DN Việt tiếp cận thị trường Italia, như ông Doninotti thông báo, vào tháng 11/2017, AICE sẽ đưa các DN Việt Nam sang Italia, kết nối trực tiếp với các đối tác tại đây.
Với rất nhiều thế mạnh về công nghệ, về an toàn thực phẩm, về bảo vệ môi trường… AICE biết rằng, đây là những vấn đề mà một quốc gia với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam đang rất cần hỗ trợ. Italia mong muốn trở thành đối tác tiềm năng, lâu dài và bền vững với Việt Nam. Chuyến đi nói trên là dịp tốt để DN Việt Nam cũng như Italia tìm hiểu và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau, để tăng cơ hội phát triển.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
