Tiêu chuẩn thương mại số thúc đẩy kinh tế số trong ASEAN
![]() |
Theo Báo cáo kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022 của Google, Temasek & Bain, tổng số người dùng internet của ASEAN đã tăng khoảng 20 triệu người lên mức 460 triệu người năm 2022, quy mô nền kinh tế internet của ASEAN dự kiến tăng khoảng 20% đạt mức 194 tỷ USD năm 2022. Ước tính, quy mô nền kinh tế ASEAN đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian 3 năm từ 2019 đến 2022. Có thể nói, ASEAN là khu vực phát triển năng động, với dân số trẻ, lượng người dùng internet lớn, có khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ, ASEAN hứa hẹn là khu vực phát triển mạnh về thương mại số trong tương lai.
Sự gia tăng người dùng internet dự kiến sẽ đóng góp 330 tỷ USD vào tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025 và thương mại điện tử là lĩnh vực dẫn đầu kinh tế số với tỉ lệ đóng góp 64% tổng giá trị hàng hóa.
Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số phục vụ tăng trưởng kinh tế, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN đã thống nhất một tầm nhìn về nền kinh tế số ASEAN, trong đó Lộ trình chuyển đổi số Bandar Seri Begawan (BSBR) được đánh giá là quan trọng nhất. Theo đó, một trong những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế số ASEAN là tiêu chuẩn thương mại số. ASEAN cần tăng cường sử dụng công nghệ số trong các quy trình thương mại và hải quan, phát triển Cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời phát triển các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu để đảm bảo khả năng tương tác trong các nền tảng kỹ thuật khác nhau.
Tháng 4/2020, ASEAN đã thành lập Nhóm công tác về Tiêu chuẩn thương mại số (DTSCWG) trực thuộc Ủy ban Tư vấn về tiêu chuẩn và chất lượng ASEAN (ACCSQ), nhằm thúc đẩy hài hòa hóa, tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp của thương mại số trong ASEAN.
Do nhận thức được tầm quan trọng của hài hòa tiêu chuẩn thương mại số, Việt Nam đã sớm xác định nhiệm vụ xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế số. Xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn về công nghệ số phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam, thúc đẩy hài hòa hóa tiêu chuẩn quốc tế, thương mại số là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến 2030 nhằm tạo cơ sở cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế số trong tương lai, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết.
Là nước chủ trì thực hiện một trong các sáng kiến thuộc Chương trình làm việc của DTSCWG về tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân để thúc đẩy phát triển và tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ cho các ngành và doanh nghiệp, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về tiêu chuẩn thương mại số với mục tiêu nâng cao nhận thức về nội dung rất mới là “Tiêu chuẩn thương mại số”. Đây là bước đầu tiên nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn thương mại số dưới nhiều góc độ, xây dựng nền tảng kiến thức giúp họ ứng dụng hiệu quả tiêu chuẩn thương mại số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, thương mại số đang và sẽ tăng cường mạnh mẽ thương mại trong ASEAN, trong khi các tiêu chuẩn có thể giúp thúc đẩy hơn nữa thương mại của khu vực. Các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận cho phép một doanh nghiệp kết hợp hoạt động từ địa phương này sang địa phương khác mà không cần phải điều chỉnh phương pháp, mô hình, thực tiễn kinh doanh.
Các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận đồng thời cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả hơn so với các quy định pháp luật, khi những quy định pháp luật thường mất nhiều thời gian để thấy được hiệu quả thay đổi rõ ràng từ thực tiễn. Điều này cho phép các nền kinh tế của từng quốc gia thành viên sẵn sàng tham gia các chuỗi cung ứng khác nhau mà không cần điều chỉnh, sửa đổi tuân thủ. Về tổng thể, các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận có lợi cho toàn bộ khu vực ASEAN, giúp khu vực phát triển quan hệ thương mại với các nền kinh tế trong và ngoài ASEAN.Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
