Tiếp tục chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
![]() | Hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia |
![]() | Sơ kết 2 năm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu |
Ủy ban TCNS cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 Chương trình CTMTQG Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2015 là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước, cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bộ mặt nông thôn đã đổi mới
Đánh giá về kết quả đạt được các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều mục tiêu tổng thể của Nghị quyết 100 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu đạt kết quả cao. Tới tháng 9 năm 2019, 52,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, hoàn thành vượt mục tiêu sớm trước 1 năm.
Tới tháng 8 năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%; 11 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 152/664 đơn vị cấp huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều tiêu chí quan trọng như: lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục... đã đạt được kết quả khả quan; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, hạ tầng nông thôn được hoàn thiện; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Đối với Chương trình Giảm nghèo bền vững. Số hộ nghèo đã giảm nhanh, trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm, từ 9,88% cuối năm 2015 giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm với 1.353.805 hộ nghèo (chiếm 58%) đã thoát nghèo; tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo cũng giảm đều qua các năm, từ 50,43% cuối năm 2015 giảm còn 27,85% cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm. Đến hết năm 2019, kết quả thực hiện mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Về kết quả huy động nguồn lực, đại diện Ủy ban TCNS cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tổng nguồn lực huy động thực hiện các CTMTQG đạt khoảng 2.965.199 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm 21,3% là một thành công lớn trong huy động nguồn lực để thực hiện với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực bố trí vốn NSNN theo Nghị quyết 100, tăng nguồn lực đầu tư cho các CTMTQG, đặc biệt, các tỉnh, thành phố đã dành nguồn vốn từ NSĐP bố trí vượt so với kế hoạch đề ra: CTMTQG Xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn từ NSĐP bố trí vượt 113.241,477 tỷ đồng (tương đương 87,1%) so với mức tối thiểu quy định tại Nghị quyết 100; CTMTQG Giảm nghèo bền vững, vốn NSĐP đạt 13.912,66 tỷ đồng, gấp 2,95 lần mức tối thiểu theo yêu cầu Quốc hội giao.
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn vốn từ NSNN của chương trình, đã huy động các nguồn lực xã hội khoảng 44.532,82 tỷ đồng. Số liệu cụ thể cho thấy, nguồn vốn NSNN đóng vai trò thu hút các nguồn vốn khác trong xã hội, khuyến khích sự quan tâm, đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng yếu thế…
Tiếp tục thực hiện 2 chương trình MTQG
Tuy vậy, Ủy ban TCNS cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã có nỗ lực song việc ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Việc phân bổ và giao vốn CTMTQG còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải; chậm giao chi tiết kế hoạch vốn, giải ngân chậm, bố trí vượt số vốn ghi trong quyết định đầu tư, bố trí dồn vào thời điểm cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiều công trình, dự án. Một số địa phương có nợ đọng XDCB ở mức cao. Vẫn còn tình trạng nhiều địa phương lập đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm; mục tiêu vượt quá khả năng thực hiện, dẫn đến tình trạng phê duyệt dự án vượt khả năng cân đối, dẫn đến nợ XDCB trong xây dựng nông thôn mới…
Đối với chất lượng và hiệu quả thực hiện CTMTQG, đại diện Ủy ban TCNS cho rằng, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, 3/8 vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với mục tiêu; chất lượng giảm nghèo đa chiều chưa thực chất, về cơ bản vẫn chỉ giảm nghèo về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.
Ủy ban TCNS cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 Chương trình CTMTQG Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết để tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn trước, cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện giữa CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 2 CTMTQG sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định, tính toán lồng ghép ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư để tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng.
Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Chính phủ dự kiến phân bổ cho các CTMTQG là 100.000 tỷ đồng theo phương án đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đồng thời đề nghị Chính phủ tính toán, rà soát để dự kiến vốn đầu tư dành cho từng CTMTQG để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với khả năng cân đối của NSNN; tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho các CTMTQG, tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Ngoài ra, các ý kiến khác cũng đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện các nội dung CTMTQG trong đó lưu ý nghiên cứu, hoàn thiện chính sách kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Rà soát kỹ để bảo đảm tính rõ ràng, tránh chồng chéo, trùng lắp ngay từ khi xây dựng, quyết định Chủ trương đầu tư.
Ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ việc nghiên cứu ban hành quy định chuẩn nghèo phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; rà soát, bãi bỏ một số chính sách mang tính chất hỗ trợ bao cấp trực tiếp, chú trọng hoạt động đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ có điều kiện nhằm bảo đảm cơ hội phát triển bình đẳng, thoát nghèo bền vững.
Tin liên quan
Tin khác

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Hà Nội tăng tốc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp
