Thuế kinh doanh qua mạng: Để thu đúng, thu đủ
![]() | Chống thất thu thuế kinh doanh qua mạng |
![]() | Nóng tình trạng trốn thuế kinh doanh qua mạng |
Bước đầu khuyến khích tự nguyện
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam (etaxvn.gdt.gov.vn). Theo đó, cổng thông tin này sẽ mở cửa 24/7, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: Google, Facebook, Youtube, TikTok… hoặc các đơn vị không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam có thể đăng ký kê khai và nộp thuế trực tiếp qua nền tảng trực tuyến.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, việc vận hành cổng thông tin này mục đích chính là hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài, tạo sự thuận tiện và tiết giảm các thủ tục trong việc kê khai và nộp thuế khi kinh doanh tại Việt Nam. Trước đây các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã thực hiện nộp thuế thông qua đối tác (tức là khấu trừ thuế tại nguồn). Tuy nhiên hiện nay họ chỉ cần có thư điện tử và thiết bị kết nối Internet. Sau khi kê khai doanh thu, chọn lĩnh vực kinh doanh, hệ thống sẽ tự động tính tiền thuế phải nộp và cung cấp địa chỉ, tài khoản nộp thuế.
![]() |
Việc kê khai thuế điện tử sẽ từng bước quản lý chặt lại các dịch vụ xuyên biên giới |
Để tạo sự tiện lợi trong việc tra cứu, kê khai và nộp thuế, cổng thông tin điện tử nói trên đã tích hợp sẵn hướng dẫn kê khai từng chỉ tiêu trên tờ khai tại mục đăng ký thuế. Các nhà cung cấp nước ngoài chỉ cần đăng nhập, điền mẫu tờ khai là có thể khai, nộp thuế ở bất cứ nơi nào, không giới hạn về thời gian và địa điểm.
Đánh giá về cổng thông tin điện tử của ngành thuế, ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý khai thuế BCTC cho rằng, đây là bước đi phù hợp với xu hướng chung của hoạt động quản lý thuế thương mại điện tử trên toàn thế giới. Hiện nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đều “siết” lại hoạt động khai nộp thuế của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Tại Việt Nam, hiện doanh thu từ quảng cáo trực tuyến của các doanh nghiệp như Google, Facebook, YouTube rất lớn (theo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2021 khoảng 955 triệu USD, trong đó 80% doanh thu thuộc về Google, Facebook, YouTube - PV) nhưng số thuế thu được từ các doanh nghiệp này một, hai năm gần đây chỉ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng/đơn vị/năm là chưa tương xứng.
“Tuy nhiên, cái gì cũng phải có từng bước. Trước tiên mình cứ khuyến khích họ tự nguyện đăng ký, kê khai và nộp thuế. Có thể thời gian đầu, một số nhà cung cấp nước ngoài chưa tuân thủ, hoặc chỉ kê khai “cho có”, kê thiếu số thuế cần nộp. Nhưng một, hai năm sau việc thanh tra, kiểm tra được ngành Thuế thực hiện tốt hơn; pháp lý, chế tài đối với hoạt động trốn thuế rõ ràng và mạnh mẽ hơn thì sẽ hạn chế được các lẩn tránh, trốn thuế của các “ông lớn” như Google, Facebook…”, ông Thức nhìn nhận.
Cần sự phối hợp liên ngành
Theo nhận định của Bộ Tài chính việc quản lý khai nộp thuế và xử phạt các vi phạm về kinh doanh hoặc về chính sách thuế của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn.
Trước khi xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử kể trên, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trốn thuế, chẳng hạn như xây dựng dự án đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế; kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để củng cố dữ liệu đăng ký thuế, xác định chính xác các cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Trong năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP) hướng dẫn Luật Quảng cáo. Trong đó, đã quy định khá cụ thể về xử lý các quảng cáo vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới với mức phạt hành chính từ 5 - 20 triệu đồng đối với các vi phạm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để minh bạch và tạo công bằng trong hoạt động quản lý kinh doanh, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài nói riêng thì pháp lý đối với lĩnh vực này cần tiếp tục hoàn thiện.
Trong đó, việc xác định những đối tượng phải áp dụng các Luật và Nghị định về kinh doanh, về thuế tại Việt Nam cũng cần thống nhất và có tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn, các pháp lý có thể căn cứ vào mức độ mà thương nhân nước ngoài tiếp thị dịch vụ của mình tại Việt Nam; độ phù hợp của các sản phẩm với người dùng tại Việt Nam; loại tiền tệ được sử dụng để thanh toán; số lượng truy cập từ người dùng tại Việt Nam hoặc có các đầu mối liên hệ ở Việt Nam hay không. Để hoàn thiện được những tiêu chí dữ liệu này, theo nhóm nghiên cứu cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ban, ngành. Trong đó, bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư và nhiều bộ, ngành khác.
Từ góc độ công nghệ, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đưa vào vận hành cổng thông tin điện tử khai nộp thuế mới chỉ là bước đầu. Trong thời gian tới, ngành Thuế phải thúc đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các mô hình công nghệ số hiện đại. Theo đó, có thể thành lập Trung tâm chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế; áp dụng các phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet, làm cơ sở để yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt. Từ đó thu thuế hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh qua các nền tảng số xuyên biên giới.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Tài chính cho biết, những năm qua ngành thuế thu từ các tổ chức nộp thay cho nhà thầu nước ngoài gần 5.000 tỷ đồng, trong đó thu của Facebook 1.694 tỷ đồng, Google 1.618 tỷ đồng, Microsoft 575 tỷ đồng. Theo ông Phớc, riêng năm 2021, thuế thu từ các dịch vụ xuyên biên giới khoảng 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020 |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
