Thúc đẩy năng lượng sạch sẽ thu hút mạnh hơn vốn FDI từ Mỹ
![]() |
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper |
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh của AmCham Châu Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Hà Nội hôm thứ Sáu tuần trước (20/5) mang lại những thông điệp gì, thưa Đại sứ?
Chúng tôi rất vui vì Amcham Châu Á - Thái Bình Dương đã chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị này. Tôi nghĩ điều này phản ánh tầm quan trọng của Việt Nam và mối quan hệ Việt - Mỹ đặt trong bối cảnh tầm quan trọng chung của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chúng ta đã có một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tuyệt vời và tiếp ngay sau đó là sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh này được tổ chức tại Việt Nam. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm với bạn rằng, ngay khi chúng ta nói chuyện với nhau ở đây thì phái đoàn của Tổng thống Joe Biden cũng đang có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong vài ngày. Tất cả phản ánh cam kết của Hoa Kỳ đối với không chỉ khu vực ASEAN, mà rộng lớn hơn là cả khu vực Ấn Độ Dương. Nên hãy nhìn sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh của AmCham khu vực Châu Á - Thái Bình Dương này như một phần của sự tham gia lớn hơn, nhiều hơn của Hoa Kỳ vào khu vực.
Tôi biết đã lâu rồi mới có thể triệu tập một hội nghị trực tiếp như thế này, và tôi rất vui khi AmCham Châu Á - Thái Bình Dương đã chọn Hà Nội là thành phố đăng cai hội nghị của năm nay. Đây là một thành phố tuyệt vời, trong một đất nước năng động.
27 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác Việt - Mỹ chưa bao giờ tốt hơn hiện nay. Chúng ta đã chuyển từ lịch sử xung đột và chia rẽ sang quan hệ Đối tác Toàn diện và theo đó các mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân được mở rộng.
Đại sứ kỳ vọng gì đối với khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng sau một loạt các thông điệp mạnh mẽ như vậy?
Tôi vừa trở về từ Hoa Kỳ, nơi tôi đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có chuyến thăm và nhiều cuộc gặp của ông trên khắp đất nước Mỹ. Thật ngạc nhiên khi được chứng kiến sự đón tiếp nồng hậu, điều này phản ánh mối quan hệ của chúng ta (Mỹ - Việt) đã tiến xa như thế nào, và cơ hội rộng mở như thế nào không những cho mối quan hệ song phương mà còn cho các cam kết khu vực của chúng ta.
Với ASEAN, Tổng thống Joe Biden đã cam kết sâu sắc đối với khu vực này, như tất cả chúng ta đã thấy tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN và các thông báo dày đặc vừa qua. Chúng tôi tin rằng Hội nghị vừa qua đã thể hiện toàn bộ bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ giữa Mỹ với ASEAN.
Và đây không chỉ là một Hội nghị thượng đỉnh đơn thuần. Đây còn là hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với ASEAN và xem xét về những gì cần làm cho 45 năm tiếp theo khi chúng ta nâng tầm quan hệ của mình lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố Tầm nhìn chung mà chúng ta công bố đã đưa ra tầm nhìn chung của chúng ta về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do hơn, thịnh vượng hơn, liên kết hơn và linh hoạt hơn.
Trong đó, chúng ta cam kết hợp tác phát triển khu vực tiểu vùng sông Mê Kông; tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân; xây dựng an ninh y tế tốt hơn và cùng nhau hành động vì khí hậu... Hoa Kỳ cũng đã công bố 150 triệu USD trong các sáng kiến khu vực mới nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN.
Trong quá trình đó, khu vực tư nhân có một vai trò lớn. Phòng Thương mại và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã tổ chức một diễn đàn thảo luận với các giám đốc điều hành doanh nghiệp khu vực tư nhân của Hoa Kỳ nhằm củng cố cam kết đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực năng động này. Tại sự kiện này, Bộ trưởng Thương mại Raimondo đã thông báo rằng một diễn đàn thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, còn gọi là Trade Winds, sẽ được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2023. Kết hợp với sự kiện này là các chuyến thăm phụ của Phái đoàn Thương mại Hoa Kỳ đến 5 thị trường Đông Nam Á khác và một chuyến thăm riêng biệt khác nữa tới Việt Nam. Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua đã tận dụng động lực để nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược của ASEAN, đặc biệt là đối với hoạt động kinh doanh của chúng ta.
Và như Tổng thống Biden đã tuyên bố tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hoa Kỳ ngày hôm nay (23/5) sẽ khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương với các đối tác nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế trong khu vực và phối hợp các phương pháp tiếp cận để giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu.
Chúng tôi rất vui mừng vì nhiều quốc gia trong khu vực đã khẳng định tham gia vào Khuôn khổ này. Thông qua Khuôn khổ này, chúng tôi sẽ thiết lập các cam kết kinh tế quốc tế lâu dài với các đối tác, qua đó sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo và khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong khu vực đang phát triển nhanh và có vai trò quan trọng về mặt thương mại và chiến lược này, đồng thời hỗ trợ một sân chơi bình đẳng cho nông dân, công nhân và các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Ví dụ về đầu tư, hiện Mỹ mới đứng thứ 11 trong đầu tư FDI vào Việt Nam, chưa phải là lớn. Vậy theo Đại sứ, những lĩnh vực nào chúng ta nên thúc đẩy trong thời gian tới?
Việc Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư đứng 11 ở Việt Nam một mặt phản ánh niềm tin lớn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam với tư cách là một thị trường cũng như là một địa điểm của sản xuất. Nhưng mặt khác, chúng tôi cho rằng vẫn có dư địa lớn cho sự phát triển. Với những cải thiện trong môi trường kinh doanh tại đây, chúng tôi nhận thấy sẽ có nhiều đầu tư hơn nữa, đặc biệt là ở các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, năng lượng và sức khỏe. Song đồng thời, chúng tôi cũng luôn mong muốn cần đảm bảo có một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ, để họ có thể đóng góp không chỉ vào sự thịnh vượng của người dân Việt Nam mà còn là sự thịnh vượng của người dân Hoa Kỳ.
Ở đây, tôi chỉ ra một ví dụ về việc tạo điều kiện cho đầu tư và thương mại lớn hơn nữa từ lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ muốn đến Việt Nam đầu tư nhưng trước hết, họ muốn đảm bảo phải tiếp cận được với năng lượng sạch, năng lượng xanh cho hoạt động sản xuất. Vì thế, nếu đầu vào năng lượng để sản xuất vẫn đến từ than đá thì rất khó để thuyết phục hội đồng quản trị và cổ đông của họ, để có thể đến Việt Nam để xây dựng các nhà máy sản xuất. Nhưng nếu các doanh nghiệp Mỹ có thể khẳng định với các cổ đông, các nhà đầu tư và hội đồng quản trị rằng các nhà máy đặt tại Việt Nam sẽ được cung cấp bằng năng lượng từ gió, điện mặt trời hay một số năng lượng tái tạo khác thì các quyết định đầu tư sẽ có tính thuyết phục hơn nhiều.
Đấy là điều rất quan trọng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trước hết việc thu hút đầu tư mạnh vào năng lượng sạch là rất cần thiết và khi có được điều đó thì dòng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ USD đang chờ đợi ngoài kia sẽ chảy vào Việt Nam.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
