Thúc đẩy giao thương Việt Nam – Turkmenistan
Ông Vepa Hajiyev - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Turkmenistan chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Turkmenistan diễn ra mới đây: "Việt Nam và Turkmenistan có quan hệ truyền thống tốt đẹp trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả về hợp tác giao thương, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại giữa hai nước vẫn còn chưa tương xứng so với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đặc biệt, ở một số ngành và lĩnh vực, hai nước đang còn rất nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác để cùng có lợi".
![]() |
Ảnh minh họa |
Turkmenistan là quốc gia có trữ lượng khí đốt dồi dào, chiếm 7,2% lượng khí gas trên thế giới, nhưng do kinh tế chủ yếu dựa vào lĩnh vực khai thác, xuất khẩu dầu khí, nên các lĩnh vực khác của nước này hầu như chưa phát triển tương xứng. Đồng thời do Turkmenistan nằm sâu trong lục địa, không có tuyến vận tải biển vì vậy giao thương quốc tế giữa Turkmenistan và các nước trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch ngoại thương của Turkmenistan năm 2021 chỉ đạt 15,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 8,86 tỷ USD, nhập khẩu đạt 6,25 tỷ USD.
Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, có thể nói quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Turkmenistan phát triển rất tốt đẹp trong suốt 30 năm qua. Trên thực tế, hai nước còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác. Turkmenistan là nước giàu về khí thiên nhiên, đứng thứ tư trên thế giới. Turkmenistan có thế mạnh về bông, vải, thảm các loại. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm công nghiệp, các mặt hàng tiêu dùng cũng như các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của nước bạn. Hơn thế nữa, Việt Nam có kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình kinh tế và đã đạt được những thành công. Đây cũng là một nhân tố cho thấy hai nền kinh tế, mà cụ thể là hai cộng đồng doanh nghiệp có động lực trong việc hợp tác cùng phát triển.
Với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, VCCI khẳng định sẽ luôn là cầu nối tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Turkmenistan. Chúng tôi sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các bạn vì sự phát triển và hợp tác lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết thêm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Turkmenistan năm 2021 chỉ đạt 0,56 triệu USD (giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Turkmenistan đạt 0,46 triệu USD, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu từ Turkmenistan về Việt Nam đạt 0,1 triệu USD, giảm 76,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Lã Mạnh Thắng - đại diện Bộ Công thương nhận định, dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Trong thời gian qua, Việt Nam và Turkmenistan có rất ít các hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên, cộng đồng các doanh nghiệp ít biết về thị trường của nhau; có các khó khăn về vận tải, sự khác biệt về văn hóa tiêu dùng. Để góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Turkmenistan, hai nước cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để hỗ trợ hợp tác kinh tế thương mại song phương, tiến hành ký kết các hiệp định trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, động vật, công nhận nhau về chứng nhận sản phẩm. Các cơ quan hữu quan của hai bên cần tăng trường trao đổi thông tin về thị trường về doanh nghiệp, hàng hóa, cơ hội hợp tác kinh tế - đầu tư song phương để cung cấp cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh khảo sát thị trường của nhau, tham dự các hội chợ để giới thiệu hàng hóa, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, ông Lã Mạnh Thắng cho biết thêm.
Ông Dovran Hudayberdiyevn - Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Turkmenistan cho rằng, Việt Nam và Turkmenistan cần xây dựng các hình thức hợp tác đa dạng ở các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, khai thác quặng.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới, đại diện VCCI kiến nghị Chính phủ hai bên tăng cường các đoàn cấp cao, tiến hành ký kết các hiệp định liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để hỗ trợ cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương…
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
