Thu thuế tài nguyên: Nhà nước sợ sót, doanh nghiệp kêu chặt
![]() | Gỡ vướng cho doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan |
![]() | Dự thảo Luật Quản lý thuế: Băn khoăn trách nhiệm của ngân hàng |
![]() | Luật thuế phải có tính dự báo cao để tránh thất thu |
Những ưu điểm và hạn chế, bất cập của chính sách quản lý thuế tài nguyên đã được chỉ ra tại Hội thảo Đánh giá, rà soát các quy định và chính sách trong Luật Thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn thu khoáng sản, do Trung tâm Con người và thiên nhiên (Pan Nature) và Liên minh khoáng sản tổ chức ngày 29/11.
![]() |
Thuế cao khiến DN hạn chế nguồn tái đầu tư và phúc lợi cho người lao động |
Bà Đỗ Hải Linh - Trưởng Phòng chính sách, Pan Nature đặt vấn đề: Các nhà làm luật và xây dựng chính sách thuế luôn có xu hướng điều chỉnh cán cân nguồn thu từ thuế nghiêng về ngân sách nhiều hơn. Tuy nhiên người đóng thuế cũng luôn đặt câu hỏi ngược lại là lợi ích họ nhận được là gì. Vậy đánh thuế ở mức độ nào và thực hiện như thế nào để đảm bảo ổn định xã hội gắn liền với tăng trưởng kinh tế chính là bài toán khó cần đặt ra.
Đánh giá về những ưu điểm của pháp luật về thuế tài nguyên, PGS. TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, đây là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần giám sát, thúc đẩy sử dụng tài nguyên tiết kiệm. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng phương pháp thu thuế tài nguyên dựa trên giá trị tài nguyên, là phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ ở các nước đang phát triển. Các chính sách thuế tài nguyên đã tạo nguồn thu góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2010 - 2017 số thu bình quân một năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam đạt hơn 33.700 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng thu ngân sách nhà nước và tương đương 0,92% GDP.
Tuy nhiên bên cạnh các ưu điểm thì hạn chế của chính sách thuế về tài nguyên vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Thực tế cho thấy, Luật Thuế tài nguyên được sửa đổi, bổ sung trong nhiều năm qua, song tới nay vẫn có những nội dung mâu thuẫn với Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ và phát triển rừng, dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung bằng các văn bản dưới luật.
Chẳng hạn, Điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên quy định, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ phải bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua. Tuy nhiên quy định này lại mâu thuẫn với các luật có liên quan. Vì vậy năm 2015, Bộ Tài chính đã phải ban hành Thông tư số 152 hướng dẫn về Thuế tài nguyên để hướng dẫn lại. Vấn đề là sau khi hướng dẫn lại, quy định mới lại dẫn tới vấn đề khó quản lý để thu thuế tài nguyên, dẫn đến thất thu thuế do xảy ra 2 trường hợp. Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân khai thác đất làm vật liệu xây dựng trong khuôn viên đất được giao sử dụng ổn định, lâu dài để bán cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Thứ hai, hộ gia đình được giao đất, giao rừng được phép khai thác sản phẩm rừng tự nhiên trong phạm vi đất được giao bán ra.
Một bất cập khác liên quan đến sản lượng tính thuế. Theo đó, chính sách hiện nay quy định tính thuế theo sản lượng thực tế khai thác, khai thác được bao nhiêu tính bấy nhiêu. Vì vậy, các DN chỉ khai thác phần tài nguyên lộ thiên, dễ lấy. Từ đây đã làm phát sinh vấn đề là nếu bỏ lại tài nguyên khó khai thác thì lãng phí tài nguyên đất nước. Ví dụ tài nguyên có giá trị cao như đá hoa trắng, chỉ cần lấy ở khu vực dễ khai thác thì lợi nhuận đã tăng tới 50%, còn phần khó thì DN để lại không làm nữa. TS. Lê Xuân Trường khuyến nghị, chính sách quản lý phải làm sao để DN thấy có lợi ích mà khai thác tiếp thay vì bỏ lại, gây ra lãng phí.
Về giá tính thuế, theo các chuyên gia, quy định về giá tính thuế tài nguyên hiện hành chưa phản ánh rõ đạo lý của việc đánh thuế tài nguyên và đánh thuế vào tài nguyên nguyên khai; chưa khuyến khích tinh chế hoặc chế biến sâu tài nguyên trước khi tiêu thụ hoặc xuất khẩu tài nguyên. Việc chưa quy định cho trừ chi phí tinh chế tài nguyên cũng không khuyến khích DN mở rộng đầu tư cho hoạt động này. Hoặc đối với tài nguyên xuất khẩu, việc không trừ chi phí vận chuyển tài nguyên từ nơi khai thác đến cửa xuất khẩu cũng làm giảm động lực để DN chế biến sâu tài nguyên.
Về thuế suất, hiện nay nhóm tài nguyên không có khả năng tái tạo (như khoáng sản kim loại, một số loại khoáng sản không kim loại) hiện đang có mức trần khung thuế suất thấp hơn nhóm sản phẩm rừng tự nhiên là tài nguyên có khả năng tái tạo. Đây là điều bất hợp lý. Ngoài ra, nước thiên nhiên là loại tài nguyên có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội và đang có xu hướng khan hiếm, nhưng khung thuế suất hiện hành còn quá thấp.
Bà Nguyễn Thị Hoài Nga - Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Mỏ - Địa chất lại cho rằng, các chính sách quản lý thuế tài nguyên hiện nay đang là gánh nặng đối với các DN muốn hoạt động ổn định, lâu dài. Theo đó, DN phản ánh rủi ro lớn nhất của chính sách thuế về tài nguyên hiện nay là việc điều chỉnh thuế không có lộ trình. Cùng với đó, cách đánh thuế tài nguyên đang tạo gánh nặng chi phí cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Bà Nga lấy ví dụ, đối với các mỏ khai thác lộ thiên của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mức đánh thuế hiện nay lên tới 12% trên tổng doanh thu. Với than hầm lò có điều kiện khai thác khó khăn hơn thì mức đánh thuế là 14%. DN kêu ca mức này là cao do mức thuế suất này nếu tính về tỷ lệ % so với các quốc gia khác là cao hơn. Đơn cử các quốc gia phát triển như Canada, Achentina khoảng 3%, Chile 0-14% tuỳ loại khoáng sản, đồng thời thuế đánh trên lợi nhuận chứ không phải doanh thu như của Việt Nam.
Bà Nga cho rằng, với cách đánh thuế như của Việt Nam thì lợi nhuận của DN thấp đi và khi đó đương nhiên nhà nước mất thuế thu nhập DN, trong khi chính DN cũng không có đủ tiền để đầu tư trở lại và không có nhiều phúc lợi cho người lao động.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
