Thu phí giao thông qua vệ tinh có khả thi?
Hình thức thu phí mới
Việc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) để thay thế cho phương thức thu phí thủ công là yêu cầu bắt buộc và đang dần phát huy hiệu quả khi tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông; minh bạch hóa hoạt động thu phí, tiết kiệm chi phí xã hội và giảm thiểu ô nhiễm...
Tuy nhiên làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng với khối lượng lớn đường cao tốc sẽ được xây dựng trong thời gian tới, việc áp dụng công nghệ thu phí hiện tại, xây dựng hệ thống trạm thu phí không dừng sẽ tốn kém. Điều này dẫn đến nhiều nước trên thế giới áp dụng công nghệ thu phí qua vệ tinh. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ nghiên cứu các ưu, nhược điểm của phương thức thu phí qua vệ tinh để áp dụng vào Việt Nam, không chỉ phục vụ thu phí cao tốc mà cả thu phí nội đô.
![]() |
Các trạm thu phí tự động đang phát huy hiệu quả rõ rệt |
Trên thực tế, hiện đã có nhiều quốc gia áp dụng hình thức thu phí qua vệ tinh. Tại Thụy Sĩ - một quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất thế giới đã áp dụng công nghệ thu phí giao thông qua GPS từ năm 2001 cho tất cả các xe tải trên 3,5 tấn. Với việc định vị phương tiện qua tín hiệu vệ tinh, các xe tải sẽ phải gắn một thiết bị GPS để truyền và nhận tín hiệu.
Tương tự, Đức cũng áp dụng hệ thống thu phí này cho toàn bộ mạng lưới đường cao tốc dành cho tất cả các xe tải trên 12 tấn từ năm 2005. Slovakia bắt đầu triển khai công nghệ thu phí qua vệ tinh trên toàn quốc cho xe tải và xe buýt trên 3,5 tấn vào năm 2010 và trong năm 2023. Singapore cũng sẽ triển khai hệ thống thu phí này.
Theo các chuyên gia, việc thu phí qua vệ tinh mang lại nhiều tiện ích. Đầu tiên là xử lý được tình trạng “trốn” trạm thu phí, hạn chế hư hỏng mặt đường do xe tải hạng nặng gây ra, rút ngắn thời gian di chuyển cho các phương tiện, tiết kiệm chi phí vì không cần xây trạm, không lắp barie nhưng vẫn giúp đơn vị quản lý biết chính xác tình hình phương tiện, lưu lượng giao thông, tính toán khoảng cách và tốc độ xe trên đường để thu phí hiệu quả hơn… Ngoài ra, giải pháp này còn giúp hạn chế phương tiện vào nội đô - mục tiêu mà ngành giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang hướng đến.
Tiện ích nhưng chưa khả thi
Tuy nhiên, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc gắn thiết bị định vị trên xe cũng phần nào ảnh hưởng đến quyền riêng tư, quá trình di chuyển của chủ phương tiện; cùng với đó, việc thu phí qua vệ tinh trên quốc lộ hay cao tốc sẽ khả thi cao hơn thu phí trong nội đô. Đặc biệt, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh nước ngoài…
Từ thực tế triển khai thí điểm thu phí qua vệ tinh cho tàu cá, một số chuyên gia còn chỉ ra rằng, nếu áp dụng thu phí qua vệ tinh, chi phí đầu tư ban đầu tốn kém hơn, vận hành phức tạp và chi phí duy trì cũng cao hơn rất nhiều nên rất khó khả thi. Theo quy định hiện nay, các tàu cá cứ 2 tiếng phải truyền tín hiệu một lần, như vậy với tần suất 360 lần/1 tháng, chủ tàu sẽ mất khoảng 300 nghìn đồng phí sử dụng đường truyền qua vệ tinh. Trong khi đó, thiết bị lắp trên phương tiện ô tô phải thực hiện truyền và nhận tín hiệu vài giây/lần thì mức phí trên sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, thông tin từ Trung tâm Thông tin Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tính đến ngày 27/2/2023 Việt Nam có hơn 28 nghìn tàu cá lắp thiết bị này nhưng hiện có đến 286 tàu bị mất kết nối, số tàu kết nối trung bình hàng ngày chỉ có 50%. Như vậy, tình trạng này cũng rất có khả năng lặp lại nếu áp dụng với ô tô.
Anh Nguyễn Hoàng Quân, chủ cửa hàng thiết bị công nghệ cho xe ô tô cho biết, thị trường hiện nay có 2 loại thiết bị thu/phát qua vệ tinh (có dây và không dây). Đối với thiết bị có dây cần nối trực tiếp vào bình ắc quy, khá rườm rà khi tháo lắp và lại dễ bị đứt và hư hỏng, giá thành từ 1-3 triệu đồng/thiết bị. Thiết bị không dây có thể khắc phục được những hạn chế trên nhưng giá thành khá cao, từ 2-5 triệu đồng/thiết bị. Tại Việt Nam, thiết bị này mới chỉ có các phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng còn các phương tiện cá nhân chưa nhiều. Thách thức lớn nhất với nhóm xe này chính là việc bị xâm nhập thông tin đời tư vì lắp thiết bị đồng nghĩa với việc gắn theo dõi giám sát định vị phương tiện cá nhân.
Để có thể triển khai hình thức thu phí giao thông bằng GPS và vệ tinh thì cần xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu lớn, đảm bảo không xảy ra tình trạng lộ, lọt dữ liệu, thông tin cá nhân của chủ phương tiện.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, việc áp dụng công nghệ mới dù gặp khó khăn ban đầu nhưng khi triển khai thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và người dân. Để ứng dụng thành công công nghệ thu phí qua GPS vào thực tiễn đòi hỏi cần có sự nỗ lực, quyết tâm lớn và sự đồng thuận của xã hội. Trước mắt có thể triển khai thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng trong thực tiễn và khi triển khai cũng cần có lộ trình.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
