Thỏa thuận “Đi lại cầu hàng không” đầu tiên
Đi lại sẽ dễ dàng hơn
Theo đó, sẽ có một số chuyến bay mỗi tuần được Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways triển khai từ thời điểm dự kiến trên và tăng lên vài chuyến/ngày từ 7/12. Mỗi chuyến bay sẽ có tối đa 200 khách và chi tiết thỏa thuận sẽ được xem xét lại sau một tháng triển khai. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Singapore Ong Ye Kung cho biết tại cuộc họp báo hôm thứ Tư, đây là mô hình cầu hàng không đầu tiên như vậy được thiết lập và nếu thành công, có thể được sử dụng làm khuôn mẫu cho các loại hình tương tự giữa Singapore với các quốc gia khác. “Cầu hàng không sẽ giúp đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho sân bay Changi và Singapore Airlines”, Bộ trưởng Ong Ye Kung nói.
![]() |
"Đi lại (du lịch) cầu hàng không" là một khái niệm mới về hình thức di chuyển, du lịch an toàn, có kiểm soát, được thực hiện giữa hai điểm đến nhất định trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Việc thiết lập các cầu hàng không được xem là chìa khóa để mở lại hoạt động đi lại, du lịch giữa biên giới các nước cho đến khi thế giới chính thức có được các loại vắc-xin hiệu quả trong phòng dịch Covid-19. Mô hình này dù được đề cập nhiều từ khoảng tháng 6 trở lại đây nhưng khó đưa vào triển khai thực tế vì Covid-19 tiếp tục lây lan hoặc bùng phát trở lại ở nhiều nơi trên thế giới.
Ngay cả thỏa thuận đạt được vừa qua giữa Singapore và Hong Kong cũng đi kèm với một danh sách dài các yêu cầu và một số hạn chế. Bộ trưởng Ong Ye Kung cho biết, thời gian chờ đợi cho xét nghiệm Covid có thể sẽ mất khoảng 4 giờ và giá vé sẽ do từng hãng hàng không trên tự quyết định. “Tôi cho rằng những người muốn đi lại có thể sẽ khá cẩn trọng trong thời gian đầu trước khi họ dần trở nên tự tin hơn. Nhiều người Singapore và Hong Kong sẽ có thái độ chờ đợi cho đến khi thời gian xét nghiệm Covid-19 được rút ngắn hơn nữa”, ông nói.
Để đi lại theo thỏa thuận này cũng cần những giấy tờ xác minh kèm theo, như các xét nghiệm Covid phải được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và các đơn xin chấp thuận đi lại phải được thực hiện trực tuyến từ ít nhất 7 ngày trước chuyến bay. Trong trường hợp hành khách bị phát hiện dương tính với Covid trong quá trình đến và đi lại, họ sẽ chịu toàn bộ chi phí điều trị y tế. Cổ phiếu của Singapore Airlines đã giảm sau thông tin trên, với mức giảm 0,3%. Trong khi đó cổ phiếu của Cathay Pacific Airways tăng 1,4% vào phiên hôm thứ Tư. Trước đó, cả hai cổ phiếu của các hãng hàng không này đều tăng mạnh trong phiên thứ Ba sau thông tin một loại vắc-xin ngừa Covid-19 được phát triển bởi Pfizer và BioNTech SE cho hiệu quả thử nghiệm lên tới hơn 90%.
Cần khả năng xét nghiệm với chi phí phải chăng
Sau khi kiểm soát được sự bùng phát của Covid-19, cả Hong Kong và Singapore đều đang mong muốn mở cửa và đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Tổng số ca nhiễm Covid-19 được báo cáo của Hong Kong là 5.389, trong khi con số của Singapore chỉ là hơn 58.000. Điều đó trái ngược với nhiều quốc gia ở châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, hiện đang báo cáo tới hơn 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Shukor Yusof, nhà sáng lập Công ty tư vấn hàng không Endau Analytics nhận định, nền kinh tế Singapore và Hong Kong đều dựa rất nhiều vào sự thành công của các hãng hàng không và sân bay của họ. Nên không có gì khó hiểu là cùng với việc dịch Covid-19 ở hai thành phố này đã cơ bản được kiểm soát thì việc mở lại đường hàng không để phục vụ cho du khách đi lại hai bên là nhu cầu tất yếu.
Vào ngày 15/10, các quan chức từ Hong Kong và Singapore cho biết hai bên đang bàn thảo để thay thế quy định cách ly bắt buộc bằng xét nghiệm Covid-19 khi du khách từ Singapore sang Hong Kong và ngược lại, đồng thời kỳ vọng sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 11/2020. Yêu cầu đặt ra là du khách phải ở Hong Kong hoặc Singapore 14 ngày trước khi khởi hành và cần phải được xét nghiệm và công nhận âm tính với Covid-19 từ các cơ quan chức năng của hai bên. Vào ngày 3/11, Hong Kong đã công bố các quy định mới, trong đó cho biết những khách đến từ bất kỳ nơi nào khác ngoài Trung Quốc Đại lục khi tới thành phố này sẽ phải cách ly tại khách sạn trong 14 ngày. Nhưng du khách từ Singapore sẽ được miễn trừ tuân thủ quy định này khi thỏa thuận cầu hàng không trên có hiệu lực.
Singapore thời gian qua đã cho phép người dân từ 5 quốc gia có thể đến nước này mà không phải cách ly bắt buộc nhưng họ vẫn phải cách ly khi về nước (tức là giữa Singapore và các nước này chưa có thỏa thuận chung về quy định không cần cách ly bắt buộc khi du khách đi đến hoặc trở về). Bên cạnh đó, chính quyền Singapore cũng đánh giá những rủi ro Covid-19 của du khách dựa trên nơi họ lưu trú trước khi đến Singapore. Ưu tiên của Singapore là cần áp dụng các xét nghiệm hiệu quả để thay thế cho các quy định cách ly bắt buộc – hiện là ngăn cản lớn với những người muốn bay tới các nước. Nhưng vấn đề đặt ra là chi phí xét nghiệm cần ở mức chấp nhận được. Theo Mayur Patel, Giám đốc kinh doanh khu vực của OAG Aviation Worldwide, xét nghiệm với giá cả phải chăng sẽ là chìa khóa để hồi sinh hoạt động du lịch, đi lại. "Nếu chi phí xét nghiệm quá đắt, nó sẽ không thúc đẩy nhu cầu đi lại của mọi người", Mayur Patel nhận định.
Việc duy trì được hoạt động của Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways không chỉ quan trọng đối với hai nền kinh tế này mà còn quan trọng cho chính các hãng hàng không trên. Bởi không giống như nhiều hãng hàng không khác trên thế giới, Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways không có thị trường nội địa để khai thác mà hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại và du lịch với bên ngoài. Theo OAG, Hong Kong-Singapore là tuyến hàng không quốc tế “bận rộn” thứ 10 ở châu Á trong năm ngoái nhưng đến năm nay thì cả hai hãng hàng không này đều ghi nhận mức lỗ kỷ lục.
“Singapore có lẽ nằm trong số các quốc gia tích cực nhất trên thế giới khi tìm cách cởi mở và giảm bớt các hạn chế đi lại vì Covid. Đây sẽ là một thí điểm rất tốt và là ví dụ về cách chúng tôi có thể thực sự mở ra việc đi lại một cách an toàn cho mọi người”, Giám đốc điều hành Singapore Airlines Goh Choon Phong nhận định về thỏa thuận cầu hàng không vừa đạt được giữa Singapore và Hong Kong.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
