Thỏa thuận đầu tư Trung Quốc – EU sẽ đi về đâu?
Tiến trình phê chuẩn sẽ chậm lại
Vào những ngày cuối cùng của năm 2020, Trung Quốc và EU đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế với việc đạt được một thỏa thuận đầu tư lớn nhằm tăng cường quan hệ thương mại hai bên và được cộng đồng doanh nghiệp, nhất là từ phía EU rất kỳ vọng. Trước khi được đưa vào thực thi, thỏa thuận cần được hai bên chính thức phê chuẩn và mốc có hiệu lực dự kiến là từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi gay gắt về nhân quyền hiện nay có thể gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình phê chuẩn và hiệu lực của thỏa thuận này.
Cụ thể vào ngày 22/3 vừa qua, EU cùng với Hoa Kỳ, Anh và Canada đã áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Bắc Kinh cũng ngay lập tức có động thái đáp trả, áp lệnh trừng phạt đối với hàng loạt cá nhân và tổ chức của EU. Trung Quốc và EU cũng triệu tập các nhà ngoại giao của nhau để phản đối lệnh cấm vận.
![]() |
Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc gặp nhau thông qua hội nghị trực tuyến để thông qua thỏa thuận đầu tư cuối năm 2020 |
Ngay sau các động thái “trả đũa” từ phía Bắc Kinh, Ủy viên của EU về thương mại, ông Valdis Dombrovskis cho biết “số phận” của thỏa thuận đầu tư này hiện đang là dấu hỏi lớn. "Các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc là đáng tiếc và không thể chấp nhận được. Triển vọng cho việc phê chuẩn sẽ phụ thuộc vào tình hình diễn biến như thế nào", Dombrovskis nói với Financial Times trong các nhận định được người phát ngôn của ông xác nhận.
Ủy ban châu Âu - cơ quan đàm phán các thỏa thuận thương mại cho 27 quốc gia EU, trước đó đã bị nhiều thành viên quốc hội và các nhóm hoạt động chỉ trích vì đã thúc đẩy tiến hành thỏa thuận đầu tư này mà không đảm bảo các cam kết mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc về bảo vệ lao động và nhân quyền. Vì vậy, việc Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ đối với các lệnh trừng phạt của EU càng khiến thỏa thuận này phải đối mặt với con đường phê chuẩn thách thức hơn. Điều này cũng cho thấy EU sẽ khó khăn như thế nào để cân bằng giữa các lợi ích kinh tế với các mối quan tâm về nhân quyền, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ đang muốn làm việc với các đồng minh trong việc đối phó với Bắc Kinh.
Kathleen van Brempt, thành viên Nghị viện châu Âu và là người phát ngôn của đảng Dân chủ và Xã hội, cho biết: “Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các thành viên của nghị viện châu Âu phải là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiến tới các bước tiếp theo trong thỏa thuận đầu tư này. Chúng ta sẽ không bị uy hiếp và sẽ không im lặng”. Trong khi đó theo Guy Verhofstadt, một thành viên của Nghị viện châu Âu và là cựu Thủ tướng Bỉ, quyết định trả đũa của Trung Quốc đã "giết chết" thỏa thuận này.
Liệu tình hình có xấu thêm?
Một trong những mục tiêu quan trọng của EU trong xúc tiến thỏa thuận đầu tư này là nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện khả năng tiếp cận của các DN và NĐT EU với nền kinh tế Trung Quốc trong các lĩnh vực như y tế, dịch vụ tài chính và ô tô điện… Tuy nhiên, đây là một thỏa thuận phức tạp, kéo dài và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm qua là một trong những lý do chính. Washington đang đối đầu với Bắc Kinh trong một loạt vấn đề, từ kinh tế như tiếp cận thị trường và thương mại, đến các vấn đề nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương. Chính điều này khiến các quốc gia khác rơi vào tình thế phải “chọn bên”.
Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation cho rằng, những nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra đối với Hoa Kỳ trong khuôn khổ thỏa thuận “ngừng bắn” về thương mại trong năm ngoái với chính quyền của ông Trump đã giúp thúc đẩy “hồi sinh” thỏa thuận đầu tư giữa EU với Trung Quốc. Nhưng trong khi Brussels muốn duy trì mối quan hệ thương mại "bền chặt" với Bắc Kinh, thì EU cũng không thể tách rời Hoa Kỳ trong nhiều vấn đề, trong đó có các chuỗi cung ứng chiến lược. Chính vì vậy mà “thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và EU luôn là một bước dài”, chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó theo Nick Marro, Trưởng bộ phận thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, “sẽ rất khó xử khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư với một quốc gia mà đang bị nhiều quốc gia trừng phạt”. Tuy nhiên theo Marro, điều đó cũng không có nghĩa thỏa thuận sẽ đi vào ngõ cụt. Bởi vẫn có những lợi ích kinh tế lớn hiển hiện và cho thấy EU và Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục cần tới nhau. Theo Ủy ban châu Âu, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU chỉ sau Hoa Kỳ, trong khi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Vì vậy một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, tăng cường quan hệ kinh tế với EU sẽ là điều mang lại lợi ích tốt nhất cho Bắc Kinh. "Rủi ro lớn nhất đối với thỏa thuận đầu tư này không phải là lo ngại việc Bắc Kinh rút lui, mà nằm ở khả năng sự ủng hộ của EU với thỏa thuận sẽ giảm đi sau những phản ứng gay gắt của Trung Quốc", các nhà phân tích tại Eurasia Group đưa ra trong một nghiên cứu gần đây.
Một số tiếng nói có ảnh hưởng ở Trung Quốc dường như cũng hiểu điều này. Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Global Times, đã nêu lên tính chất "tượng trưng" của các lệnh trừng phạt hôm thứ Ba trên tài khoản Weibo của mình: "Xin lưu ý rằng, các lệnh trừng phạt lẫn nhau không đụng chạm đến thương mại và kinh tế, vì vậy nó chủ yếu chỉ là một cuộc chiến bằng lời nói. Bản chất của mối quan hệ của Trung Quốc và phương Tây là kinh doanh. Đó là lợi ích thực sự". Tất cả những góc nhìn như vậy cho thấy, cả Brussels và Bắc Kinh đều vẫn còn những động lực rất lớn để duy trì mối quan hệ kinh tế tổng thể của họ tốt lên, thay vì suy yếu thêm.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
