Thiết lập mặt bằng lãi suất thấp
Để có mặt bằng lãi suất thấp Duy trì mặt bằng lãi suất thấp |
Lãi suất giảm sâu
Không chỉ với Big 4, nhiều NHTMCP tư nhân cũng giảm nhẹ lãi suất tiền gửi. Theo đó, ngày 15/1, Techcombank giảm lãi suất đồng loạt tại nhiều kỳ hạn,
đưa mức lãi suất tại các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống dưới mốc 4%/năm. Mức giảm lãi suất dao động từ 0,4%-0,8%/năm tại các kỳ hạn khác nhau. Trước đó, từ đầu tháng 1/2024, lãi suất huy động tại ACB giảm ở các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1- 2 tháng giảm 0,8%/năm, xuống lần lượt 2,4%/năm và 2,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 - 4 tháng lần lượt là 2,7%/năm và 3%/năm...
Mức lãi suất huy động hiện tại đã giảm xuống sâu hơn giai đoạn Covid-19 và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là điều kiện quan trọng để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trên thực tế, ngay từ đầu năm Agribank điều chỉnh biểu lãi suất đối với cho vay trung hạn, dài hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu đời sống với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Đồng thời, ngân hàng điều chỉnh giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trước đó, trong năm 2023, trên cơ sở tiết giảm chi phí huy động, nhà băng này đã có 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đưa lãi suất vay cho vay xuống mức thấp hơn từ 1,3-4%/năm so với đầu năm.
![]() |
Dường như xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tiếp diễn trong giai đoạn tới |
Lãnh đạo OCB cho biết, ngay từ đầu năm 2024, ngân hàng này đã nhanh chóng ban hành các gói lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5%/năm so với cuối năm 2023 giúp khách hàng dễ dàng hoạch định kế hoạch tài chính và lựa chọn phương án vay vốn phù hợp. Thời gian tới, OCB liên tục cập nhật chính sách lãi suất cho vay vừa đáp ứng diễn biến kinh tế và tình hình thị trường nói chung vừa đảm bảo khách hàng dễ tiếp cận nguồn vốn vay với giá hợp lý, chính sách linh hoạt.
Vẫn lấy an toàn làm trọng
Có thể thấy dường như xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tiếp diễn trong giai đoạn tới. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết năm 2023, mặt bằng lãi suất đã giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022, bằng mức lãi suất cho vay trước đại dịch Covid-19, vượt kỳ vọng giảm 1-1,5% đặt ra từ đầu năm và sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tại báo cáo kết quả chính của Cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 do Vụ Dự báo Thống kê, NHNN thực hiện, các TCTD đánh giá tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024. Các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4%/năm trong quý I/2024 và giảm 0,2%/năm trong cả năm 2024.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt phù hợp diễn biến nền kinh tế, nhất là mặt bằng lãi suất đang thấp tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Phân tích thêm về xu hướng lãi suất, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, nếu Fed giảm 3 lần lãi suất sẽ tác động tích cực đến kinh tế thế giới, xuất khẩu Việt Nam cũng hưởng lợi tăng trưởng trở lại. Qua đó tác động tốc độ hồi phục kinh tế trong nước nhanh hơn. Trong bối cảnh này, NHNN sẽ duy trì chính sách như hiện tại tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Với các tín hiệu tích cực về việc lạm phát có khả năng được kiểm soát, cũng như triển vọng kinh tế đang cho thấy đà hồi phục nhất định, HSBC kỳ vọng, NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5%/năm cho đến năm 2024.
Các chuyên gia cũng cho rằng, NHNN vẫn thận trọng trong việc hạ thêm lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nếu giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác. Hơn nữa, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu nền kinh tế vẫn còn yếu.
Để vực dậy doanh nghiệp, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, không chỉ từ chính sách lãi suất mà cần phải rất nhiều nỗ lực từ các chính sách khác mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Đến thời điểm này, khó khăn nội tại của nền kinh tế còn khá nhiều khi nhìn vào sức khỏe của doanh nghiệp vẫn đang yếu sau thời gian chống chịu dịch bệnh. Cũng chính vì khó khăn, nhiều khoản nợ cũ của doanh nghiệp chưa trả cho ngân hàng dẫn đến khó tiếp cận được khoản vay mới.
Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đóng góp tăng trưởng kinh tế, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần phải có các gói hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Nhất là thời gian tới phải thực hiện mạnh mẽ hơn chính sách tài khóa ngược tức là không tăng thu ngân sách mà dùng ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển. Chẳng hạn, tiếp tục triển khai mạnh hơn chính sách giảm miễn, hoãn, giảm các loại thuế, phí. “Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất từ phía các ngân hàng, tôi cho rằng, Chính phủ nghiên cứu đưa ra chương trình hỗ trợ lãi suất thực sự hiệu quả đến doanh nghiệp”, GS. TS. Hoàng Văn Cường đề xuất.
Đặt giả thiết các thị trường thế giới phục hồi còn chậm, các chuyên gia cho rằng, cần phải kích cầu thị trường nội địa thông qua kích cầu đầu tư công, tiêu dùng... Nhất là đầu tư công chính là chìa khoá quan trọng tạo đòn bẩy thúc tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn lưu ý thêm việc điều hành thị trường giá cả và chính sách tiền tệ không được chủ quan trước rủi ro lạm phát. Nếu tình hình địa chính trị còn phức tạp sẽ tác động đến giá dầu khả năng lạm phát sẽ quay lại. Bên cạnh đó, những diễn biến bất ngờ từ thị trường quốc tế như cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết cũng sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu, rủi ro hiện hữu, có thể tác động tăng tỷ giá USD/VND, qua đó gây áp lực lên lãi suất.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
