Thiên tai gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp
Từ mưa lũ
Năm 2021, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nặng nề đối với các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Đăk Lăk là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Lăk, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 10 đợt thiên tai, ước tính tổng thiệt hại gần 157 tỷ đồng... Thiên tai làm 1 người bị thương, 95 nhà dân, 3 điểm trường bị ảnh hưởng, khoảng 17.202ha cây trồng các loại bị thiệt hại.
Thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong tỉnh. Đơn cử, do ảnh hưởng cơn bão số 5 vừa qua, hàng trăm hecta cây trồng của nông dân bị thiệt hại.
![]() |
Thiên tai gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân Đăk Lăk mỗi năm |
Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lăk, vừa qua, trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to nên diện tích ngập lụt khoảng 230ha. Trong đó, xã Đăk Liêng khoảng 130ha, Buôn Tría 50ha và Buôn Triết 50ha. Trước việc liên tiếp bị ảnh hưởng bởi các đợt thiên tai trong mùa mưa bão, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện Lăk ban hành công văn về việc tuyên truyền cho bà con thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khuyến cáo đẩy nhanh việc thu hoạch lúa ở những vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt khi xảy ra mưa lớn.
UBND huyện Lăk cũng thành lập Tổ kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương để cập nhật diện tích thiệt hại. Qua đó, có cơ sở hỗ trợ các hộ dân trồng lúa bị ảnh hưởng theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh...
Theo khuyến cáo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, thường vào mùa mưa lũ, mực nước trên các sông suối sẽ có dao động đáng kể. Vậy nên, Ban Phòng chống lụt bão các tỉnh, các huyện và các địa phương cần quan tâm và có biện pháp kiểm tra lại dung tích thiết kế, cao trình các đập nước, độ rộng của tràn xả lũ, kết cấu và biện pháp thi công đập, thấm ngấm và rò rỉ qua thân đập… Thường xuyên quản lý, điều hành, sử dụng dung tích hồ chứa một cách có hiệu quả và thích hợp. Đồng thời, tăng cường các công tác kiểm tra, giám sát công trình khi có mưa to, lũ lớn xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh đó cần có các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn một cách tốt nhất, nhằm hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy; có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác dự báo khí tượng thủy văn, nhất là dự báo mưa và dòng chảy nhằm chủ động hơn trong việc quyết định đến thời điểm đóng, mở cống hợp lý…
Đến hạn hán
Không chỉ mưa lũ gây thiệt hại đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Đăk Lăk, mà những năm qua, địa phương này còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại do hạn hán thất thường. Thậm chí, vào giữa mùa mưa, nhiều địa phương của Đăk Lăk vẫn bị hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Theo UBND huyện Krông Bông (Đăk Lăk), vụ hè thu năm 2021, trên địa bàn có 3.181ha cây trồng các loại bị khô hạn. Diện tích bị thiệt hại hơn 70% lên đến 2.297ha, diện tích thiệt hại từ 30 - 70% hơn 884ha. Trong đó, diện tích cây lúa nước bị khô hạn 358ha; ngô lai 1.362ha; sắn 1.365ha; đậu các loại 96ha. Diện tích cây trồng bị khô hạn tập trung chủ yếu tại các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Hòa Phong, Hòa Lễ và Khuê Ngọc Điền. Tổng giá trị thiệt hại do hạn hán ước tính hơn 41 tỷ đồng.
Trước tình hình thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn và tổng thiệt hại, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Đăk Lăk hỗ trợ kinh phí gần 5,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của Chính phủ.
Thời tiết nắng nóng, khô hạn trong mấy tháng qua cũng khiến các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện M’Drắk khô cạn, nhiều diện tích cây trồng phải đối mặt với thiếu nước. Huyện M’Drắk đang tập trung mọi nguồn lực nỗ lực chống hạn cho lúa. Vụ hè thu 2021, huyện M’Drắk gieo trồng 25.106ha cây trồng các loại. Trong đó, có 1.938ha lúa nước, 3.805ha ngô, 726ha đậu đỗ, 5.432ha sắn, 4.572 ha mía...
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, một số công trình thủy lợi hiện không còn nước tự chảy như hồ Ea Trái Bâu, Ea Ktung, Cư Róa 1, Cư Róa 2, Ea Tung Xây, Ea Má; một số công trình có mực nước thấp hơn cao trình ngưỡng tràn 3 - 4,5m như hồ chứa Ea M'doal, hồ Krông Á 2, hồ đội 3...
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương, toàn huyện đã có hơn 79ha cây trồng bị hạn, chủ yếu là lúa nước, tập trung ở một số địa phương như xã Ea Trang 51,1ha; xã Cư Króa 2ha; xã Cư M'ta 6ha… Trước thực trạng khô hạn, UBND huyện M’Drắk chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương bố trí máy bơm, hỗ trợ dầu, dàn bơm chống hạn kết hợp phát dọn, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và điều tiết nước hợp lý, tập trung cứu hạn cho các loại cây trồng; tăng cường kiểm tra các diện tích có khả năng bị hạn để có kế hoạch khắc phục; bên cạnh đó, huyện cũng đang tập trung duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi.
Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, gây thiệt hại nặng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, mới đây UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2030, Đăk Lăk phấn đấu 100% người dân ở các địa phương thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, hạn hán. Ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. 100% các bậc đào tạo phổ thông trên địa bàn đưa nội dung phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy. 100% số xã xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng. 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh thiên tai...
Tin liên quan
Tin khác

Hướng đi mới trong phát triển thị trường carbon Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái

Hợp tác xã chuyển đổi xanh để bứt phá
![[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 13%](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/11/14/220250411141315.jpg?rt=20250411141318?250411021821)
[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 13%

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Ngư dân Thanh Hóa trúng mùa cá trích, thu nhập tăng cao

Phân bổ nguồn vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia tránh chồng chéo, dàn trải

Xuất cấp 1.453 tấn gạo cho 3 tỉnh dịp giáp hạt đầu năm 2025

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng trong 2 tuần liên tiếp
