Thích ứng và thích nghi với tình hình mới
Khi doanh nghiệp muốn “đóng cửa ngủ đông”
“Thực sự là chúng tôi chỉ muốn “đóng cửa ngủ đông” vì duy trì sản xuất quá nhiều khó khăn”, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc của May 10 đã nói vậy tại buổi thảo luận về “Giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy vừa tổ chức. Nói vậy nhưng May 10 không “ngủ” được khi có tới 12.000 lao động và là mắt xích cung ứng cho hơn 66 nhà nhập khẩu trên toàn cầu.
![]() |
Các doanh nghiệp ngành điện tử cũng đã xác định sống chung với dịch |
Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp đã thổ lộ trong hơn 2 tháng qua. Doanh thu giảm, chi phí sản xuất tăng gấp bốn, năm lần, nhưng công suất chỉ được 30-50% so với lúc bình thường. Trong quá trình sản xuất lại gặp nhiều trở lực. “Có nơi chính quyền không cấm doanh nghiệp hoạt động, nhưng công nhân thì không thể tới nơi làm việc vì phải thực hiện giãn cách”, ông Thân Đức Việt nói. May 10 hiện đang có nhà máy ở 7 tỉnh thành trong cả nước.
“Chúng tôi ký hợp đồng theo kế hoạch trước 1 năm, 18 tháng hay theo chiến lược dài hơi. Doanh nghiệp không thể hoạt động theo kiểu cứ làm mà chưa biết ngày mai có bị đóng cửa không”, ông Nguyễn Thanh Ngữ -Tổng giám đốc Công ty Thành Thành Công - Biên Hòa nói. Theo các doanh nghiệp, tình trạng này gây tổn phí rất lớn.
Khó khăn là vậy, nhưng “doanh nghiệp cần hoạt động để tạo động lực phát triển cho xã hội và tạo công ăn việc làm, an sinh cho người dân, duy trì được nền kinh tế. Hơn nữa, nếu các doanh nghiệp rơi vào trạng thái ngủ đông quá dài, có khi không thể thức tỉnh được, đánh mất luôn thị trường và cơ hội kinh doanh”, ông Nguyễn Thanh Ngữ nói thêm.
Từ góc độ chuyên môn, TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế đã nói: “Không chống được dịch cũng chết, không làm kinh tế cũng chết. Bài học đặt ra là chúng ta phải sống chung với dịch. Để làm được như vậy chúng ta cần có giải pháp làm sao để đảm bảo kinh tế, an sinh xã hội”.
“Sống chung với Covid” - lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã xác định như vậy. Dù khó khăn nhưng với các doanh nghiệp, cố được đến đâu là cố, nỗ lực hết sức có thể. Cái rất khó của doanh nghiệp trong mấy tháng nay đó là tổ chức sản xuất trong lúc thực hiện giãn cách. Đã nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, là cách để vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch. Theo mô hình này, chi phí tăng lên, hiệu quả cũng không cao, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa kỳ - ASEAN cho biết.
Rất cần sự hướng dẫn rõ ràng của cơ quan y tế
Trong Nghị quyết 105/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp thống nhất với chính quyền địa phương về mô hình sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh phù hợp nhất. Đây là điểm mở đúng như doanh nghiệp mong đợi. Nhưng vấn đề là rất cần sự hướng dẫn rõ ràng với những tiêu chí an toàn dịch bệnh của cơ quan y tế. Chưa có tiêu chí, hướng dẫn rõ ràng của ngành Y tế khiến cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp lúng túng, loay hoay.
“Các doanh nghiệp ngành điện tử cũng đã xác định sống chung với dịch, các doanh nghiệp cũng đã chủ động đề xuất rất nhiều ý tưởng. Chúng tôi rất cần cơ quan y tế và cơ quan dịch tễ hướng dẫn doanh nghiệp trong việc đảm bảo phòng dịch an toàn”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam phát biểu. “Tôi cũng rất mong các chuyên gia y tế và dịch tễ sẽ chia sẻ thêm về các tiêu chí cụ thể để đảm bảo sản xuất một cách an toàn để có thể mở cửa trở lại”, ông Vũ Tú Thành lên tiếng.
Theo TS.Trần Đắc Phu, trong thời gian tới chỉ có một số tỉnh, thành phố đạt miễn dịch cộng đồng ví dụ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội… Chính vì thế cũng cần có quy định chặt chẽ về việc di chuyển giữa các vùng để không bị lây lan dịch bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân Y cho rằng, các quy định phòng chống dịch cần tính lâu dài, ổn định để các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất kinh doanh. Bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết nhưng cũng phải duy trì phát triển kinh tế. Duy trì sản xuất bền vững cũng là duy trì sức khỏe của con người. Để quay trở lại sống an toàn, sản xuất an toàn với dịch Covid-19, trước hết là phải phủ được vaccine.
Và để sống chung với Covid, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp sẽ phải thích ứng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý dịch tễ, cơ quan quản lý kinh tế, nhà quản trị xã hội phải thích nghi. Và cần sự phối hợp thực sự đồng bộ giữa các địa phương, giữa các cấp với nhau thì mới có thể thực hiện chiến lược này thành công, hiệu quả.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
