Thị trường phản ứng ra sao khi Fed không còn “kiên nhẫn”?
Kinh tế tăng trưởng khiêm tốn
Trong biên bản cuộc họp, FOMC nhận định, các dữ liệu kinh tế từ tháng 1/2015 đến nay cho thấy, tăng trưởng kinh tế Mỹ đã phần nào chậm lại dù thị trường lao động tiếp tục được cải thiện với việc làm gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục thấp đi. FOMC cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc làm tối đa và ổn định giá cả.
![]() |
Kinh tế Mỹ hồi phục chưa đủ mạnh để Fed sớm thắt chặt CSTT |
Ủy ban kỳ vọng, với các chính sách phù hợp, hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng ở một tốc độ vừa phải, với các chỉ số thị trường lao động tiếp tục cải thiện và phù hợp với nhiệm vụ ổn định giá. “Chúng tôi nhận thấy những rủi ro và triển vọng đối với các hoạt động kinh tế và thị trường lao động hiện gần như cân bằng” – tuyên bố của FOMC cho biết.
Do đó, FOMC cho rằng, mục tiêu giữ các lãi suất quỹ liên bang từ mức 0% đến 0,25% hiện nay là vẫn thích hợp. Việc giữ các lãi suất này bao lâu nữa sẽ được Ủy ban đánh giá trên cơ sở những tiến triển - cả trong thực tế và kỳ vọng - trong mục tiêu về việc làm và lạm phát (tối đa 2%).
Trước mắt, FOMC cho biết, việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ chưa được đưa ra tại cuộc họp của FOMC trong tháng 4 tới. “Sẽ là phù hợp để nâng lãi suất quỹ khi chúng tôi đã nhìn thấy sự cải thiện hơn nữa trong thị trường lao động và có cơ sở hợp lý để tin rằng, lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% trong trung hạn. Điều này không có nghĩa là, Ủy ban đã quyết định về thời điểm tăng lãi suất lần đầu tiên” – tuyên bố khẳng định.
Đáng chú ý, Fed đã chính thức bỏ đi cụm từ “kiên nhẫn” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) – cụm từ được xem là mang thông điệp và có tính dẫn dắt trong CSTT của Fed được duy trì trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời nó cũng mở ra một thời kỳ mới mang tính khó đoán định hơn với lãi suất cơ bản tại Mỹ.
Tuy nhiên, giữ nguyên quan điểm như cách đây vài tuần, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết, bỏ đi cụm từ này không có nghĩa là Fed sẽ không kiên nhẫn nữa. “Sự thay đổi này không có nghĩa là việc tăng lãi suất sẽ nhất định diễn ra vào tháng 6 tới, mặc dù cũng không thể loại trừ” - bà tái khẳng định tại cuộc họp báo ngày 18/3 tại Washington.
"Chủ tịch Yellen đã tính đến tất cả các điều kiện cần và đủ. Cách tiếp cận của Fed là chuyển dần từ sự phụ thuộc vào ngày, tháng sang phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế cụ thể để điều hành chính sách. Dù cách tiếp cận như vậy khiến chúng ta dự báo khó khăn hơn, nhưng là điều tích cực” – Chuyên gia kinh tế cao cấp Mark Vitner thuộc Wells Fargo Securities nhận xét.
Thị trường phản ứng tích cực
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu và dầu đều có trong xu hướng tăng sau thông tin từ cuộc họp của Fed. Bởi những tin tức từ cuộc họp cho thấy, Fed sẽ thắt chặt CSTT một cách chậm rãi hơn so với những gì mà thị trường đồn đoán trước đó.
“Sự kết hợp của lạm phát thấp, thị trường lao động khó cải thiện mạnh hơn và đồng USD vẫn trong xu hướng tăng giá có thể hàm ý việc thắt chặt CSTT sẽ diễn ra chậm và nhẹ nhàng hơn so với dự báo trước đây” - Michael Gapen, chuyên gia kinh tế của Barclays đưa ra nhận định mới nhất. Chuyên gia này dự báo, lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg vào ngày 17/3 vừa qua dựa trên tính toán các hợp đồng tương lai quỹ liên bang, kỳ vọng khả năng lãi suất cơ bản tăng vào tháng 9 đã giảm từ mức 55% xuống chỉ còn 39%. Trong khi đó, các nhà giao dịch tương lai gần như đã “xóa sổ” cơ hội khả năng lãi suất sẽ tăng trong tháng 6 tới, với con số dự báo tăng chỉ còn 11%.
"Khả năng tăng lãi suất vào tháng 6 chỉ so ngày hôm nay với hôm qua đã thấp hơn” – chiến lược gia cổ phiếu Phil Orlando thuộc Federated Investors cho biết và nhận định: "Điểm cực kỳ quan trọng là các thành viên FOMC đã hạ dự báo của họ xuống. Điều này phù hợp hơn với thực tế của môi trường kinh tế hiện nay”.
Trong thời gian gần đây, Fed liên tục phải đối đầu với các tín hiệu mâu thuẫn từ nhiệm vụ kép là tăng trưởng việc làm và ổn định giá cả khi cân nhắc đến việc tăng lãi suất. Công ăn việc làm tốt đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua, xuống mức 5,5% vào tháng 2 vừa qua. Đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang sẵn sàng cho chi tiêu nhiều hơn và nền kinh tế đã đủ mạnh để chịu được chi phí vay cao hơn.
Ngược lại, lạm phát vẫn có xu hướng thấp (chỉ tăng 0,2% trong tháng 1/2015) và dự báo chưa có dấu hiệu sẽ đạt đến mức mục tiêu 2% đặt ra. Lạm phát năm nay dự báo sẽ chỉ ở mức 0,6-0,8%, thấp hơn rất nhiều mục tiêu và thấp hơn so với mức 1-1,6% của dự báo được đưa ra vào tháng 12/2014. Trong khi đó, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm lại, cộng với việc đồng bạc xanh tiếp tục xu hướng tăng giá chính là những trở ngại lớn ngăn Fed thắt chặt CSTT.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ
