Thị trường nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi: Cầu cao, cung ít
Tại Việt Nam, Cargill (chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, chiếm 9% thị phần tại Việt Nam) hiện có 10 nhà máy sản xuất các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm, thủy sản và một nhà máy tại Đồng Nai cung cấp premix khoáng, vitamin cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
![]() |
Trong nước mới chỉ đáp ứng 40% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi |
Tuy nhiên, điều đáng nói là gần như toàn bộ nguồn nguyên liệu mà công ty này dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, với sản lượng hàng chục triệu tấn/năm của cả gần chục nhà máy cộng lại (trong đó có nhà máy đang trong giai đoạn thi công chưa đưa vào sản xuất) để cung ứng tại thị trường Việt Nam lại phải nhập khẩu từ nước ngoài như Mỹ, Brazil, Argentina, Áo...
Ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Cargill tại Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm tại Việt Nam gần 20 năm nay nhưng sở dĩ đến giờ, công ty vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài về phục vụ sản xuất bởi nguồn nguyên liệu tại chỗ thực tế không đáp ứng được cả lượng và chất.
Trong khi nhu cầu của nhà máy hàng năm rất lớn thì nguồn nguyên liệu do người nông dân trồng trọt lại chỉ đủ đáp ứng cho tiêu dùng. Đồng thời, không phải loại nào cũng đủ tiêu chuẩn chất lượng để cung ứng cho nhà máy.
Câu chuyện của Cargill tại Việt Nam chỉ là bức tranh thu nhỏ của vấn đề mang đầy tính nghịch lý “cầu cao, cung ít” tại thị trường nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Không chỉ một mình Cargill mà còn rất nhiều “ông lớn” nước ngoài như CP, Procon, New Hope, Greenfeed... đang bao sân trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chủ yếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, là đất nước nông nghiệp, có thế mạnh sản xuất nhiều mặt hàng nông sản vào hàng nhất nhì thế giới, nhưng hàng năm Việt Nam lại phải chi hàng tỷ USD cho nhập khẩu ngô, đậu tương... làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Hiện tại, Việt Nam chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu. Điều đáng phải suy ngẫm, trong khi mỗi năm có không ít loại nông sản dư cung lớn, bán với giá rẻ như cho, thậm chí phải đổ bỏ thì cây ngô, đậu tương đang có nhu cầu rất cao lại không được chú trọng.
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cho thấy điều này. Trong khi sản lượng bình quân lúa trên đầu người của Việt Nam là 494 kg/người, nhưng ngô chỉ là 54 kg/người và đậu tương chỉ 1,5 kg/người.
Như vậy, sản lượng đậu tương hiện tại không đủ để phục vụ nhu cầu cho người chứ chưa nói tới làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bởi để sản xuất hàng năm cần 4-5 triệu tấn khô dầu các loại. Rõ ràng, việc thiếu cung này đã khiến Việt Nam hầu như phải nhập khẩu hoàn toàn đậu tương và khoảng 50% nguyên liệu ngô chế biến thức ăn chăn nuôi.
Trong khi thị trường thức ăn chăn nuôi là “con gà đẻ trứng vàng” cho các tập đoàn nước ngoài, thì người nông dân Việt Nam hầu như chưa được hưởng phần nào lợi ích từ đó khi tham gia cung ứng một phần nguyên liệu đầu vào.
Và nếu không thay đổi tư duy chiến lược, nhất là việc quy hoạch “trồng cây nào, nuôi con gì” để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong điều kiện hội nhập, thì người sản xuất, chăn nuôi của Việt Nam mãi chỉ là người làm gia công, và tất cả những phần “béo bở” nhất sẽ thuộc về tay nước ngoài – một vị chuyên gia phân tích.
Theo số liệu Thống kê của Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu của nhóm thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 10/2015 đạt 258 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 2,81 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhập khẩu ngô là 584 nghìn tấn, đạt 119 triệu USD trong tháng 10 và 10 tháng đạt 5,72 triệu tấn, giá trị 1,26 tỷ USD (tăng 55,8% về khối lượng và 32,8% về giá trị so với cùng kỳ). |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
