Thị trường “ngóng” sản phẩm phái sinh mới
![]() | Thanh khoản nhìn từ phái sinh |
![]() | Thấy gì từ việc thêm phí phái sinh |
Theo thông tin từ UBCKNN, ngày 4/7 tới đây, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) sẽ chính thức được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Như vậy, ngoài sản phẩm đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30, từ quý III năm nay thị trường vốn sẽ có thêm sản phẩm phái sinh thứ 2 là hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm.
![]() |
Hiện giá trị danh mục TPCP mà khối NHTM sở hữu vào khoảng 800.000 - 900.000 tỷ đồng |
Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất
Thông cáo phát đi từ UBCKNN cho biết, tính đến thời điểm giữa tháng 6/2019, mọi khâu chuẩn bị để ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm, bao gồm: khung pháp lý, thiết kế sản phẩm, hệ thống giao dịch, giám sát, mô phỏng cơ chế giao dịch… đều đã hoàn tất và sẵn sàng để chính thức đưa sản phẩm chứng khoán phái sinh thứ 2 vào thị trường vốn.
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó Tổng giám đốc HNX cho biết, hiện nay mẫu hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm do HNX thiết kế, xây dựng đã được UBCKNN phê duyệt. Các thành viên thị trường trên website của HNX cũng đã công bố mẫu sản phẩm mới. Bên cạnh đó, trong nhiều tháng vừa qua, HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng đã thực hiện thử nghiệm hệ thống giao dịch và tích hợp giao dịch với các thành viên, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát và sắp xếp nguồn nhân sự phục vụ công tác giám sát giao dịch cho sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm. Vì vậy, đầu quý III/2019 là thời điểm thích hợp và chín muồi để đưa sản phẩm này vào thị trường.
Cũng theo đại diện HNX, trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường TPCP có tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm. Thanh khoản thị trường tính theo giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 48%/năm, đạt 10.000 tỷ đồng trong năm 2018. Trong số các kỳ hạn TPCP thì kỳ hạn 5 năm là kỳ hạn trái phiếu được phát hành với tỷ trọng lớn và thanh khoản tương đối tốt trên thị trường giao ngay.
Vì thế, khi đưa sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm vào giao dịch thị trường vốn chắc chắn sẽ có thêm một kênh đầu tư mới đáp ứng nhu cầu phòng vệ rủi ro cho cả bên bán và bên mua. Bởi hiện nay, đối với các nhà đầu tư nắm giữ khối lượng lớn TPCP như các NHTM thì việc giá trị trái phiếu biến động 1%-2% cũng gây ảnh hưởng lớn đến giá trị danh mục đầu tư của các ngân hàng. Nếu được linh hoạt chọn bán hoặc mua hợp đồng tương lai các nhà băng sẽ có nhiều cơ hội để cân bằng tài chính và giảm thiểu các tác động thị trường.
Lo ngại thị trường khó đa dạng
Mặc dù tích cực ủng hộ việc HNX đưa vào thị trường chứng khoán sản phẩm phái sinh thứ hai, nhưng ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, hiện nay TPCP hầu hết do các NHTM nắm giữ nên nhiều khả năng khi đi vào giao dịch trên thực tế khối ngân hàng sẽ là những nhà đầu tư chủ lực. Và do khẩu vị của khối ngân hàng tương tự nhau nên khi lãi suất TPCP tăng thì ngân hàng nào cũng muốn mua vào hợp đồng tương lai để phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư TPCP mà họ đang nắm giữ. Kết quả là thị trường sẽ khan hiếm người bán và chỉ còn diễn ra một chiều.
Để giải quyết một phần khả năng thị trường kém đa dạng này, chuyên gia đào tạo chứng khoán Phạm Phú Khôi cho rằng, trong thời gian đầu mới phát triển sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP thì vai trò tạo lập thị trường nên được giao cho các NHTM thay vì giao cho các công ty chứng khoán như quy định hiện nay. Bởi năng lực tài chính cũng như danh mục đầu tư TPCP của các công ty chứng khoán thường không đủ lớn, khó tạo ra độ sâu cho thị trường giao dịch hợp đồng tương lai. Trong khi đó các NHTM là các đơn vị nắm giữ nhiều nhất danh mục TPCP đang lưu hành, đồng thời có lợi thế về vốn và tài sản sẽ dễ dàng hơn trong việc dẫn dắt và điều phối thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm hợp đồng phái sinh TPCP tại Nhật Bản, ông Ryosuke Ito thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Osaka (Nhật Bản) cho rằng, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cần vận dụng tốt hơn các công cụ thuế, phí để lôi kéo các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh.
Vị chuyên gia này cho biết, hiện tại ở Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 55% thị phần giao dịch hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm. Các công ty chứng khoán chiếm khoảng 32%, còn lại là các NHTM và các nhà đầu tư khác. Với vai trò là đại lý sơ cấp, hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán tại Nhật hiện nay tập trung vào việc mua trực tiếp TPCP và bán lại cho các bên thứ cấp. Các công ty này cũng phòng ngừa rủi ro thay đổi trên đường cong lãi suất bằng cách bán hợp đồng tương lai TPCP và mua lại tại thời điểm bán.
Vì vậy, theo ông Ryosuke Ito thay vì chỉ nhấn mạnh khuyến khích giao dịch chứng khoán phái sinh để phòng ngừa rủi ro, cơ quan quản lý tại Việt Nam nên tạo hành lang pháp lý để cho phép các quỹ đầu tư được rót vốn vào thị trường chứng khoán phái sinh, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các công ty chứng khoán nắm giữ lượng lớn TPCP để đa dạng hóa khẩu vị quản trị tài chính, quản trị rủi ro và tạo thanh khoản sôi động trên thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, hiện nay TPCP hầu hết do các NHTM nắm giữ nên nhiều khả năng khi đi vào giao dịch trên thực tế khối ngân hàng sẽ là những nhà đầu tư chủ lực. Và do khẩu vị của khối ngân hàng tương tự nhau nên khi lãi suất TPCP tăng thì ngân hàng nào cũng muốn mua vào hợp đồng tương lai để phòng vệ rủi ro cho danh mục đầu tư TPCP mà họ đang nắm giữ. Kết quả là thị trường sẽ khan hiếm người bán và chỉ còn diễn ra một chiều. |
Tin liên quan
Tin khác

Dòng tiền phân hóa, VN-Index tăng hơn 54 điểm

Ghi nhận phiên tăng mạnh nhất lịch sử, VN-Index tăng 74 điểm

Cung vẫn lấn át cầu bắt đáy, VN-Index mất thêm 38,49 điểm

Bài 4: PAN - Từ doanh nghiệp trung bình thành gã khổng lồ nhờ quản trị tiên phong

Áp lực bán mạnh chưa dừng lại, VN-Index tiếp tục rơi gần 80 điểm

Bài 3: Quản trị công ty - chìa khóa nâng hạng thị trường chứng khoán

Bài 2: Quản trị công ty tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Bài 1: Quản trị công ty - lá chắn và bệ phóng cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên hội nhập

Đẩy mạnh công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán - bước đi chiến lược
