Thị trường lao động mùa dịch: Khó chồng thêm khó
Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế Việt Nam khả quan hơn khi đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Các doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và tình hình nhân lực lao động có xu hướng hồi phục. Tuy nhiên đợt bùng phát dịch lần thứ tư vào cuối tháng 4/2021 đang khiến cho tình hình lao động, nhất là lao động tại các khu công nghiệp trở nên khó khăn hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và xu hướng cắt giảm lao động là tất yếu. Bởi vậy cần phải có những chính sách hỗ trợ lao động, nhất là lao động mất việc trong thời gian tới để ổn định cuộc sống.
Bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm đầy biến động với “gam màu tối” là chủ đạo do ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động.
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I/2021 của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng đã khiến 19,9% lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và 19,0% lao động trong các doanh nghiệp/Hợp tác xã còn bị ảnh hưởng, chủ yếu là giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm.
![]() |
Nghiêm chỉnh chấp hành 5K tại các khu công nghiệp |
Trên thực tế, lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đang có xu hướng tăng lên trong thời gian tới bởi dịch bệnh đang lây lan mạnh tại nhiều khu công nghiệp, nơi có số lượng lao động lớn. Đã có nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động và cho công nhân nghỉ việc tạm thời, đồng thời thực hiện các biện pháp cách ly để đảm bảo an toàn cho người lao động. Trên địa bàn Hà Nội, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã có 1.399 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó 196 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, gần 3.700 công nhân lao động mất việc làm. Ngoài ra, gần 43.000 công nhân lao động rơi vào tình trạng thiếu việc làm.
Trước tình hình khó khăn của các lao động bị tác động bởi dịch bệnh, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ trong thời gian qua. Theo UBND TP. Hà Nội, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhưng thành phố đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, khoanh vùng nhỏ gọn, hạn chế tác động đến đời sống dân sinh, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động được thành phố quan tâm thực hiện đồng bộ nên thị trường lao động trên địa bàn đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan hơn, tình trạng thất nghiệp cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5/2021, thành phố tổ chức thành công 20 phiên giao dịch việc làm với 558 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia và gần 4,4 nghìn lượt lao động được phỏng vấn, kết quả có gần 1,5 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch. Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 3,7 nghìn người, số tiền trợ cấp là 90,9 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 154 người với số tiền 467 triệu đồng.
Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 78,6 nghìn lao động, đạt 49,1% kế hoạch giao trong năm, trong đó thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền gần 1,2 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 26,2 nghìn lao động. Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 21,7 nghìn người (giảm 2% so với cùng kỳ năm trước), số tiền trợ cấp là 600 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 993 người với số tiền là 2,9 tỷ đồng.
Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội cho biết, trong đợt bùng phát dịch lần này, đã xuất hiện các ca bệnh F0 là chuyên gia nước ngoài, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn và các tỉnh, thành phố lân cận. Theo đó, thành phố đã khẩn trương thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp. Dịch Covid lây lan và xuất hiện tại một số doanh nghiệp trên địa bàn không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn khiến giảm thu nhập của người lao động.
Thống kê cho thấy, riêng tại Công ty TNHH CANON Việt Nam có 19.316 công nhân lao động thiếu việc làm, trong đó 9.540 công nhân lao động Nhà máy CANON Quế Võ nghỉ do giãn cách xã hội từ ngày 10/5, 6.368 công nhân lao động Nhà máy CANON Thăng Long và 3.408 công nhân lao động Nhà máy CANON Tiên Sơn phải nghỉ việc từ ngày 19/5 do thiếu nguyên liệu sản xuất từ các nhà máy của Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang…
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải, các cấp công đoàn thành phố Hà Nội đã thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời. Đến nay đã hỗ trợ hơn 4.000 lao động với số tiền là hơn 2.750 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã phối hợp giải quyết cho 14 đơn vị, doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1.477 người lao động với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng; giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 180 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với tổng số 15.188 lao động, tương ứng kinh phí hơn 50 tỷ đồng...
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có xu hướng lây lan mạnh, doanh nghiệp và người lao động cần thường xuyên thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và giúp cải thiện đời sống của người lao động.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
