Thị trường kỳ vọng vào đấu giá trực tuyến
![]() | Sẽ có cơ chế đấu giá nợ xấu |
![]() | Quy định mức thu phí đấu giá tài sản |
![]() | Cần luật hóa đấu giá tài sản, nợ xấu |
Từ đầu tháng 7 tới đây, Nghị định 62/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản (2016) chính thức có hiệu lực. Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ đưa ra những quy định chi tiết về hình thức đấu giá trực tuyến. Điều này mang đến cho thị trường nhiều tác động tích cực nhưng cũng đặt ra không ít lo ngại về quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Sôi động từ lúc dự thảo luật
Ghi nhận cho thấy, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 100 trang web thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến. Theo dõi một số trang như: daugia321.vn, bid.zahoo.vn, luckyluckybuy.com, vimua.com, chodientu.vn… có thể hình dung hoạt động đấu giá trực tuyến phổ biến ở 3 loại chính là đấu giá ngược, đấu giá xuôi tốn phí và đấu giá xuôi không tốn phí.
![]() |
Thị trường đấu giá trực tuyến đang sôi động ở nhiều lĩnh vực |
Pháp lý cho hoạt động đấu giá trực tuyến hiện nay được căn cứ chủ yếu vào Nghị định 86/1996 về quy chế bán đấu giá tài sản (theo Luật Thương mại 2005) hoặc Nghị định số 17/2010 về bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, các văn bản này chưa có các quy định chi tiết, cụ thể về hình thức bán đấu giá trực tuyến mà chỉ có các quy định chung cho thương mại điện tử.
Chính vì vậy, ngay sau khi Dự thảo Luật Đấu giá tài sản ghi nhận, bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến vào Điều 40 thì thị trường thương mại điện tử lập tức có những phản ứng rất nhanh nhạy.
Các DN nhanh chóng lên kế hoạch đưa vào các hệ thống phục vụ hoạt động đấu giá. Theo đó, từ tháng 9/2016, CTCP Bán đấu giá Lạc Việt đã hoàn thành và khai trương trung tâm trưng bày tài sản đấu giá đầu tiên tại Việt Nam với diện tích gần 1.000 m2 đặt tại TP.HCM. DN này dự kiến sẽ tiến hành các phiên đấu giá trực tuyến với những sản phẩm đầu tiên là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị nhà nước tịch thu, tài sản bảo đảm, thậm chí sẽ đấu giá một số loại hình tài sản phức tạp hơn như quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Một DN khác là Công ty TNHH Begodi Toàn Cầu cũng vừa cho ra mắt sàn giao dịch điện tử đa ngôn ngữ begodi.com/bidding. Sàn này dự kiến sẽ là sàn đấu giá trực tuyến các sản phẩm du lịch (như: tour, phòng, quà tặng, khuyến mãi) đầu tiên tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của khoảng 10.000 khách sạn trên toàn châu Á.
Ở lĩnh vực nông sản, tình hình cũng không kém sôi động. Tại khu vực TP.HCM, ý tưởng xây dựng sàn giao dịch và đấu giá nông sản hoạt động tương tự như trang Ebay.com nhận được sự tán thưởng của các quỹ đầu tư khởi nghiệp. Trong khi đó, tại phía Bắc, một khu chợ hiện đại áp dụng công nghệ quản lý - kinh doanh điện tử (trong đó có hoạt động đấu giá trực tuyến) cũng đã được các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất thành lập với quy mô 300 ha tại Hà Nội với mức kinh phí 300-400 triệu USD. Ngoài ra, một số DN khác như Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Vua, Công ty cà phê Phước An… cũng đã bắt đầu đầu tư các trang web phục vụ hoạt động đấu giá sản phẩm trực tuyến.
Lựa chọn mô hình chủ động – linh hoạt
Theo phân tích của LS. Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật SBLAW, việc quy định đấu giá tài sản trực tuyến trong luật năm 2016 chính là bước đà để Việt Nam có thể tiếp cận hơn với thị trường đấu giá quốc tế.
Qua so sánh các mô hình đấu giá trực tuyến phổ biến, ông Hà cho rằng hoạt động đấu giá trực tuyến tại Việt Nam nên áp dụng ưu tiên mô hình chủ động. Theo đó, tổ chức đấu giá tài sản có thể tự thành lập trang thông tin điện tử để phục vụ đấu giá trực tuyến hoặc thuê lại cơ sở hạ tầng đấu giá trực tuyến của DN khác. Việc tổ chức các phiên đấu giá được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với người có tài sản.
Ý kiến của LS. Hà nêu trên cũng khá phù hợp với chọn lựa của Bộ Tư pháp khi xây dựng các quy định hướng dẫn hoạt động đấu giá trực tuyến tại Nghị định 62/2017. Bởi bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện nay ngoài mô hình chủ động như ở trên còn có 2 mô hình tổ chức hoạt động đấu giá trực tuyến cũng khá phổ biến:
Thứ nhất là mô hình các tổ chức thương mại thành lập trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá trực tuyến để người có tài sản, người mua tài sản thực hiện việc mua bán tài sản trên đó (như các trang web đấu giá eBay, amazone…); thứ hai là mô hình nhà nước giao cho một DN đứng ra thành lập trang thông tin điện tử để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao. Tuy nhiên cả hai mô hình này đều chưa phù hợp với những quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản nên chưa thể áp dụng được.
Ở góc độ thị trường, mặc dù bắt đầu ghi nhận sự hào hứng của các DN trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, nông sản. Tuy nhiên các đại diện DN có tham gia hoạt động thương mại điện tử vẫn cho rằng để hoạt động đấu giá trực tuyến được vận hành thuận lợi thì các bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn chi tiết hơn. Trong đó, cần thống nhất về các loại tài sản được đấu giá trực tuyến, đối tượng được tham gia hoạt động đấu giá; đồng thời phải có chế tài đảm bảo xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm như công bố thông tin bán đấu giá giả, công bố tên loại hàng hóa bán đấu giá sai sự thật.
Theo thống kê của Bộ Công Thương những gian lận, vi phạm chủ yếu trong đấu giá trực tuyến thường xảy ra là: tổ chức đấu giá giao hàng chậm, chất lượng kém không đúng miêu tả ban đầu. Một số đối tượng lợi dụng kẽ hở từ tâm lý mua bán nhẹ dạ cả tin và thói quen mua hàng online nhưng thanh toán tiền mặt. Do vậy, khi thị trường đấu giá trực tuyến càng trở nên sôi động thì người tiêu dùng càng phải gia tăng cảnh giác để tránh các trường hợp lừa đảo, thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
