Thị trường chứng khoán sẽ biến động mạnh trong vùng 720 – 780 điểm?
Sức ép từ bên bán trong phiên giao dịch sáng 13/3 khiến thị trường chứng khoán chìm sâu trong sắc đỏ và có thời điểm VN-Index mất tới hơn 45 điểm. Tuy nhiên, nhờ dòng tiền bắt đáy gia tăng trong phiên chiều đã giúp chỉ số chứng khoán hồi phục và thu hẹp đà giảm.
Kết phiên, VN-Index giảm 7,47 điểm (-0,97%) xuống 761,78 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 236 mã giảm và 40 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,53%) xuống 101,38 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 106 mã giảm và 46 mã đứng giá.
Còn trên sàn UPCoM, UPCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,84%) xuống 50,49 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 118 mã giảm và 70 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với phiên trước và ở mức khá cao. Tổng khối lượng giao dịch 476 triệu cổ phiếu, trị giá 7.381 tỷ đồng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Điểm đang chú ý trên sàn HoSE là nhiều bluechips leo dốc và đóng cửa trong sắc xanh như VIC, CTG, POW, FPT… đã tạo lực nâng đỡ cho thị trường. Sự hồi phục của thị trường nhận được hỗ trợ từ 2 nhóm ngành có tính thị trường cao là ngân hàng và bất động sản. Nhiều cổ phiếu trụ cột của 2 ngành này như CTG, TCB, MBB, VIC, NVL… tăng điểm đã hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG, PNJ, FRT… sau khi giảm sàn trong giai đoạn đầu phiên đã thu hút dòng tiền bắt đáy khá mạnh. Dù vậy, tâm lý thận trọng ở mức cao khiến thị trường không đảo chiều tăng điểm khi nhiều large-cap như: BVH, PLX. BID, GAS… vẫn chìm sâu trong sắc đỏ.
Dòng tiền bắt đáy cũng giúp thị trường tiếp tục giữ mức thanh khoản cao với hơn 7.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn.
Giao dịch khối ngoại tiếp tục diễn biến không mấy tích cực khi họ bán ròng 715 tỷ đồng trên toàn thị trường và cũng là phiên bán ròng thứ 24 liên tiếp.
Trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng mạnh nhất 4 tháng với 26,76 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 672,88 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như HPG (111,9 tỷ đồng), MSN (97 tỷ đồng), VHM (51,2 tỷ đồng)…
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 2,63 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 22,43 tỷ đồng, tập trung vào các mã SHB (16,7 tỷ đồng), PVS (6,88 tỷ đồng)…
Còn trên UPCoM, khối ngoại cũng đã bán ròng 1,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 19,33 tỷ đồng.
Theo phân tích của Công ty CP Chứng khoán BOS, chứng khoán châu Á hồi phục vào cuối phiên sau khi giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch buổi sáng nhờ sự phục hồi tại Trung Quốc. Thị trường Việt Nam cũng nhận hỗ trợ từ dòng tiền bắt đáy và thu hẹp đà giảm vào cuối phiên. Tuy nhiên, đà tăng gặp nhiều nghi ngại khi khối ngoại tiếp tục duy trì xu thế bán ròng mạnh trong phiên.
“VN-Index nhận được hỗ trợ tích cực từ ngưỡng 740 điểm và đóng cửa trên ngưỡng 760 điểm. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng cao trên thị trường ở giai đoạn hiện tại khiến khả năng đây chỉ là sự phục hồi kỹ thuật. Rủi ro về tình hình dịch bệnh vẫn ở mức cao và khiến thị trường khó có thể thoát ra xu thế điều chỉnh hiện tại. Nhiều khả năng, thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong vùng 720 – 780 điểm trong tuần tới. Nhà đầu tư nên duy trì quan sát thị trường và tránh mua đuổi trong trường hợp thị trường tăng điểm trong giai đoạn sắp tới”, đại diện BOS khuyến nghị.
Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, hợp đồng F2003 đóng cửa ở 712,3 điểm, tăng 18,3 điểm so với phiên hôm trước và tăng 51 điểm so với mức đấy 661 điểm đầu phiên. Điều này đã giúp điểm basic thu hẹp về mức âm 4,35 điểm, cho thấy nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Tuy vậy, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động mạnh trong giai đoạn tới khi rủi ro bên ngoài vẫn ở mức cao. Nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát và tránh nắm giữ qua đêm với các hợp đồng phái sinh trong giai đoạn hiện tại.
Tin liên quan
Tin khác

Dòng tiền phân hóa, VN-Index tăng hơn 54 điểm

Ghi nhận phiên tăng mạnh nhất lịch sử, VN-Index tăng 74 điểm

Cung vẫn lấn át cầu bắt đáy, VN-Index mất thêm 38,49 điểm

Bài 4: PAN - Từ doanh nghiệp trung bình thành gã khổng lồ nhờ quản trị tiên phong

Áp lực bán mạnh chưa dừng lại, VN-Index tiếp tục rơi gần 80 điểm

Bài 3: Quản trị công ty - chìa khóa nâng hạng thị trường chứng khoán

Bài 2: Quản trị công ty tại Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Bài 1: Quản trị công ty - lá chắn và bệ phóng cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên hội nhập

Đẩy mạnh công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán - bước đi chiến lược
