Thấy gì từ con số xuất siêu kỷ lục trong 9 tháng?
Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%.
Xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng
Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu với mức 16,99 tỷ USD. |
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, trong khi nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (tăng 233% so với cùng kỳ năm trước khi giá trị xuất siêu đạt 7,27 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 27,51 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 9 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 tăng 18%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 46,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%).
Trong đó, 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất gồm: Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,7 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,2 tỷ USD, tăng 25,9%; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD, giảm 10,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,2 tỷ USD, tăng 39,8%; giày dép đạt 12,1 tỷ USD, giảm 8,8%;
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 31,9 tỷ USD, tăng 12,7%. Thị trường EU đạt 26 tỷ USD, giảm 2,6%. Thị trường ASEAN đạt 17 tỷ USD, giảm 12,5%. Hàn Quốc đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2%. Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, giảm 5,7%.
Tín hiệu vui cho nền kinh tế
Nhìn vào con số xuất siêu gần 17 tỷ USD có thể thấy đây là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc duy trì được xuất siêu mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Xuất siêu lớn giúp tăng nguồn cung ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá đồng nội tệ. Từ đó, khả năng can thiệp của cơ quan điều hành cũng tốt hơn.
Một điểm sáng nổi bật của bức tranh xuất, nhập khẩu 9 tháng năm 2020 là sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, nếu như những năm trước, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì năm 2020, khối doanh nghiệp trong nước đã đạt mức tăng trưởng khá, có phần nhỉnh hơn khối FDI.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đang tận dụng khá tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã được thị trường EU đón nhận và hưởng ưu đãi.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, con số thặng dư là điểm sáng, do sự chênh lệch về tăng trưởng giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, xét trong chu kỳ 9 tháng những năm gần đây, "xuất khẩu nói là tăng khá nhưng vẫn ở mức thấp".
Năm 2019, xuất khẩu 9 tháng tăng 8,4%, năm 2018 là 15,8%, còn năm 2017 là 20,6%. Trong khi đó, nhập khẩu giảm một phần do nhu cầu sử dụng và sản xuất bị ảnh hưởng do Covid-19. Xét theo cơ cấu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ chỉ tăng 0,9%, còn nhập khẩu nguyên vật liệu giảm tới 3,1%.
"Chúng tôi đánh giá đây là điều kiện khách quan do Covid-19. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm và năm 2021, dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, nhập khẩu có thể phục hồi và tăng trưởng trở lại", ông Phong nói.
Trong lúc dịch Covid-19 còn tiếp tục tác động tiêu cực tới thương mại trong nước cũng như thế giới, các chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu trong xã hội giảm mạnh và kéo dài do dịch bệnh, chi tiêu của Chính phủ là công cụ chính để kích thích tổng cầu trong nền kinh tế. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả đóng vai trò quan trọng để giúp phục hồi sản xuất, duy trì tăng trưởng.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
