Thay đổi cách thức vận hành quỹ phát triển đất
Nhiều quyền hạn hết hiệu lực
Ba tháng sau khi ban hành Công văn 4507/BTC-QLCS, chính thức “siết” lại nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sử dụng nguồn tiền của Quỹ phát triển đất tại các địa phương, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 8114/BTC-QLCS, giải thích rõ hơn về việc hạn chế nhiều quyền hạn của các Quỹ phát triển đất.
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay, cơ quan này đang xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất. Trong thời gian Nghị định này chưa được ban hành, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn tại các Quỹ phát triển đất, đồng thời phù hợp với các quy định pháp luật đã được sửa đổi, Bộ Tài chính đã quy định lại một số nội dung liên quan đến trích lập và sử dụng nguồn tiền từ các Quỹ phát triển đất.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, theo Quyết định 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm các địa phương được trích 30-50% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất… để thành lập Quỹ phát triển đất. Tuy nhiên, từ khi Quyết định 40 có hiệu lực đến nay, việc sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp) để hỗ trợ, cấp vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất đã được điều chỉnh bởi các văn bản luật mới hơn như: Luật Ngân sách nhà nước 2015 (Điều 8) và Nghị định số 40/2020/NĐ -CP hướng dẫn Luật Đầu tư công.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương “không sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để trích lập Quỹ”. Đồng thời rà soát thực tế việc hỗ trợ, cấp vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất. Nếu địa phương nào đã làm đúng các quy định thì có thể tiếp tục thực hiện, còn nếu chưa phù hợp thì điều chỉnh lại.
Đối với các quy định “không sử dụng nguồn vốn hoạt động của Quỹ để chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” và “không sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất để hoàn trả vốn ứng từ Quỹ”, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã chấp thuận đề xuất này, đồng thời các văn bản luật ban hành sau Quyết định 40/2010/QĐ-TTg cũng đã có nhiều điều chỉnh.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã quy định Quỹ phát triển đất chỉ được ứng vốn cho tổ chức được nhận vốn ứng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được trực tiếp ứng vốn.
Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý thuế 2019 cũng đã quy định toàn bộ số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất phải được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; không được sử dụng trực tiếp nguồn thu này để hoàn trả vốn ứng cho Quỹ phát triển đất trước khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Cần thời gian để xoay xở
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, việc Bộ Tài chính quy định lại nhiều nội dung liên quan đến sử dụng nguồn tiền của Quỹ phát triển đất tại các địa phương trong 6 tháng vừa qua đã khiến nhiều dự án phát triển quỹ đất tại các địa phương gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn đã ứng trước cho các công trình xây dựng hạ tầng, đồng thời chủ đầu tư không thể triển khai việc ứng vốn để thanh toán cho nhà thầu, dẫn tới nhiều công trình, dự án lớn bị chậm tiến độ so với dự kiến.
Tại TP.HCM, hiện nay Quỹ phát triển đất đã thực hiện ứng vốn cho nhiều dự án lớn, như: Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ nâng cấp đường Đình Giao Khẩu (quận 12), Dự án cải tạo rạch Nhảy, rạch Ruột Ngựa (quận Bình Tân); Dự án hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư Trường THCS Hoàng Diệu (Tân Phú); Dự án mở rộng đường Lê Văn Chí (TP. Thủ Đức)… Các dự án này đều đang trong quá trình nghiên cứu và bắt đầu thi công. Nếu việc ứng vốn và hoàn vốn tạm ứng của Quỹ phát triển đất bị chững lại thì hàng trăm nhà thầu sẽ gặp khó về tài chính và tiến độ.
Tại Đồng Nai, theo thống kê sơ bộ của Sở Kế hoạch Đầu tư, trong năm 2022, địa phương này triển khai hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng ở hàng chục khu, cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp dự kiến sẽ sử dụng nguồn tiền ứng 100% từ Quỹ phát triển đất tỉnh Đồng Nai, bao gồm một số cụm công nghiệp như: Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), Phú Túc (Định Quán), Trị An, Thạnh Phú - Thiện Tân (Vĩnh Cửu), Dốc 47 (Biên Hòa)… Riêng tại địa bàn huyện Nhơn Trạch đã có khoảng 9 khu công nghiệp đang có kiến nghị được Quỹ phát triển đất tỉnh ứng vốn để đầu tư các khu tái định cư cho người dân.
Hầu hết các địa phương đều nhận định rằng việc Bộ Tài chính sửa đổi các quy định về trích lập và sử dụng nguồn tiền từ Quỹ phát triển đất là điều chỉnh phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành các dự án phát triển quỹ đất kéo dài, thậm chí vướng mắc thủ tục đầu tư ở nhiều khâu đoạn dẫn tới chậm tiến độ. Vì vậy, đến thời điểm Bộ Tài chính ban hành Công văn 4507 (tháng 5/2022) nhiều Quỹ phát triển đất chưa thể thu hồi nguồn vốn đã ứng trước cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Do đó, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay Bộ Tài chính cần có thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết việc xử lý, thu hồi các nguồn tiền đã ứng trước tại các Quỹ phát triển đất, đồng thời cần nhanh chóng hướng dẫn quy trình, cách thức mới để các dự án tiếp cận nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng tái định cư, tránh trường hợp hàng loạt dự án gặp khó về tài chính, chậm tiến độ và đội giá.
Riêng từ góc độ pháp lý, TS. Phan Trung Hiền, Phó trưởng Khoa Luật, Đại học Cần Thơ cho rằng, khi sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của Quỹ phát triển đất tại các địa phương, Bộ Tài chính cần quy định chi tiết mức trích bổ sung cho Quỹ phát triển đất hàng năm, cụ thể hóa các quy chế mẫu về quản lý, tạo điều kiện cho hoạt động ứng vốn xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất theo quy hoạch tổng thể dài hạn.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
