Tạo hành lang pháp lý để sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả
Đề xuất các giải pháp cụ thể như: khắc phục tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ- TW liên quan đến vấn đề giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 5/10.
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu, sau hơn 9 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý khá đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng do các mối quan hệ kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai đã được xây dựng mới bổ sung cho phù hợp thời kỳ mới của đất nước và bối cảnh quốc tế nên Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung.
![]() |
Việc quy hoạch sử dụng đất, tích tụ đất đai, định giá đất, phân loại đất đai, tập trung đất nông nghiệp…là những vấn đề nổi cộm cần xử lí hiện nay. |
Cần tháo gỡ việc quy hoạch sử dụng, định giá, sử dụng đất nông nghiệp…
Với mong muốn thay đổi cách nhận thức về định giá đất, GS.TS Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa Bản đồ Viễn thám Việt Nam cho rằng, Nhà nước không cần quan tâm tới các phương pháp định giá đất cụ thể vì chi phí cao, mà chỉ cần quan tâm tới cơ sở dữ liệu về giá đất trên các hợp đồng chuyển quyền để định giá hàng loạt. Kết quả của định giá hàng loạt chỉ cần đạt mức 80% giá trị thị trường. Khi cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng biện pháp đấu giá đất hoặc đấu thầu việc sử dụng đất của các dự án đầu tư.
Liên quan đến việc định giá đất và tổ chức định giá đất, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đã bỏ khung giá đất và thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường. Việc bỏ khung giá đất đã tháo gỡ được những vướng mắc trước đây khó giải quyết trong thực tiễn liên quan đến định giá đất và bảng giá đất của các địa phương.
Tuy nhiên, định giá đất luôn là bài toán không hề đơn giản, việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, làm thế nào để mức giá của Nhà nước phản ảnh sát giá thị trường.
“Giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với giá thị trường, đó là giá đất sẽ được các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện", TS. Nguyễn Hữu Dũng góp ý.
Ông Dũng dẫn kinh nghiệm của các nước, các tổ chức định giá đất chuyên nghiệp, độc lập, thuộc các thành phần kinh tế, không thuộc bộ máy hành chính Nhà nước và có vai trò quan trọng trong việc định giá đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả định giá của mình.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam TS. Đặng Việt Dũng trong góp ý dự thảo đã nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Ông Dũng cho rằng, căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng đất đai có thể huy động được. Quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu trong tất cả các đồ án quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch.
Ông Dũng đề xuất, hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung; bổ sung vào dự thảo quy định về thời gian và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng; bổ sung các quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, quy định về đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu vấn đề về việc tổ chức không gian ngầm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi những việc liên quan vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa có quy định cụ thể. Quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và dưới mặt đất, vấn đề sở hữu công trình ngầm, sở hữu không gian ngầm, phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm... chưa được nêu trong bất kỳ văn bản pháp luật nào.
Ông Hải kiến nghị cần có những điều khoản quy định rõ ràng cơ chế tài chính liên quan đến sử dụng đất đối với công trình ngầm; bổ sung quyền và nghĩa vụ của người giao đất, người được sử dụng đất ngầm; bổ sung quy định xây dựng ngầm chi tiết trong Luật Đất đai (sửa đổi).
Về vấn đề đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thực tiễn, liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ nông dân để sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định với quy mô không lớn nên không nhất thiết phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan Nhà nước.
Vì vậy nên cân nhắc quy định: tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định.
Theo ông Tiến, cần xem xét lại việc bảo đảm ổn định quy hoạch đất nông nghiệp đã tập trung để bảo đảm định hướng sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp. Về các phương thức tích tụ đất nông nghiệp cần bổ sung phương thức tặng, cho quyền sử dụng đất.
Lĩnh vực đất nông nghiệp là nội dung chiếm thời lượng lớn nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, với những quy định mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế.
TS. Nguyễn Đình Bồng nhấn mạnh, với những quy định mới này, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiếp cận với đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Báo động mất cân đối cơ cấu nguồn cung nhà ở

Sẽ tháo gỡ triệt để nút thắt về nhà ở xã hội

Hà Nội sẽ xây thêm hầm chui, mở rộng làn đường Hoàng Quốc Việt

Đất nền miền Bắc trỗi dậy mạnh mẽ

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Vista Residence Da Nang: Giá trị thặng dư bền vững hay “cơn sốt” nhất thời?

Ra mắt siêu đô thị Sun Mega City rộng 1690ha - biểu tượng thịnh vượng phía Nam Hà Nội

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
