Tăng vốn cho nuôi tôm xuất khẩu
Sóc Trăng - thủ phủ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ được các TCTD trên địa bàn đầu tư cho vay khoảng 56,5 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm trong năm nay. Trong đó, chi nhánh Agribank sẽ cho vay khoảng 20 tỷ đồng, Ngân hàng Hợp tác xã (Co.op Bank) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lần lượt tăng thêm 18 tỷ đồng và 18,5 tỷ đồng cho các vùng tôm nuôi. Các ngân hàng khác cũng đang lên kế hoạch thẩm định và quyết định đầu tư theo từng dự án, phương án cụ thể.
Ông Phạm Kim Hùng - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, dư nợ cho vay nuôi tôm của các TCTD trên địa bàn liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Nếu năm 2020 dư nợ cho vay nuôi tôm đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng dư nợ nuôi trồng thủy sản, thì đến cuối năm 2021 (dù bị ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19) dư nợ cho vay nuôi tôm trên địa bàn tỉnh này đã đạt trên 1.750 tỷ đồng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tính đến thời điểm này các TCTD trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư vốn cho khoảng gần 10.500 doanh nghiệp và hộ nuôi tôm. Trong đó, Agribank chi nhánh Sóc Trăng và NHCSXH chi nhánh Sóc Trăng là những ngân hàng có nguồn vốn lớn đã giải ngân cho vay hơn 6.100 hộ nuôi tôm.
Tại Trà Vinh, Agribank cũng đang giải ngân gói đầu tư gần 2.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản của các hộ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó Giám đốc Phụ trách Agribank chi nhánh tỉnh Trà Vinh cho biết, riêng các hộ nuôi tôm công nghiệp thâm canh mật độ cao, hiện có 482 khách hàng đã được ngân hàng này đầu tư vốn với dư nợ trên 560 tỷ đồng, lãi suất vay ưu đãi.
Ở những địa phương khác, Vietcombank, Agribank và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã liên kết với hàng trăm hộ dân tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phát triển mô hình nuôi tôm CPF-Combine Mini dành cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng ít vốn và tận dụng lao động trong gia đình. Hay như Công ty Đất xanh miền Tây và HDBank đã đầu tư khá mạnh vào các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
NamABank mới đây ký kết hợp tác chiến lược với Nam Miền Trung Group, ngân hàng cam kết sẽ hỗ trợ nguồn vốn tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hạ tầng, thanh toán của doanh nghiệp, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm của doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2025 tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên. Nam A Bank tham gia dự án này với mong muốn tiếp cận và khai thác hệ sinh thái của doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho 4 nhà: Nhà cung ứng đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, thiết bị vật tư…), Nhà chăn nuôi, Nhà thu mua và chế biến, Nhà xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, một số ngân hàng hợp tác với doanh nghiệp lớn có hoạt động sản xuất sản phẩm ưu tiên phát triển trong nền kinh tế sẽ tạo ra mối quan hệ bền chặt giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Từ đó ngân hàng mở rộng dịch vụ tài chính, doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng nhanh chóng với chi phí thấp.
Con tôm Việt Nam có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đặc biệt các thị trường khó tính như Mỹ, EU… Thực tế, nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng lĩnh vực này cũng thuộc nhóm có rủi ro cao, khả năng thành công phụ thuộc khá nhiều yếu tố như chất lượng con giống, thời tiết, hạ tầng thủy lợi, thị trường tiêu thụ…
Theo số liệu của NHNN chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm này nếu tính cả nợ xấu đã được xử lý chuyển sang theo dõi ngoại bảng của các TCTD trên địa bàn vào khoảng 639 tỷ đồng, chiếm 27% trong tổng dư nợ cho vay nuôi tôm.
Từ thực tế này ông Phạm Kim Hùng kiến nghị, các huyện thị cần kiểm soát chặt chẽ quy hoạch vùng nuôi, có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, về mô hình nuôi cho nông hộ. Bên cạnh đó, cần phối hợp các bộ, ngành kiểm soát giá cả các mặt hàng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, nhằm ổn định chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp và người nuôi có thêm tích lũy để trả các khoản nợ vay ngân hàng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần nghiên cứu rà soát những tiêu chí đối với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để xét công nhận mô hình tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nuôi tôm được hưởng những ưu đãi về thuế, phí và lãi suất vay vốn.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng số 740.000 ha nuôi tôm của Việt Nam, chỉ có khoảng 40% vùng nuôi được đầu tư hệ thống cung cấp điện 3 pha và hạ tầng thủy lợi phục đạt tiêu chuẩn. Vì thế, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cần bổ sung thêm nhiều hơn cho các địa phương đang xây dựng các vùng nguyên liệu tôm trọng điểm.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
