Tăng trưởng sẽ theo kịch bản nào?
![]() | Kiên định mục tiêu tăng trưởng |
Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng
Với tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64% khiến mục tiêu tăng trưởng năm 2021 trở nên vô cùng thách thức. Mặc dù vậy, song Chính phủ thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
“Chính phủ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng là sự thể hiện quyết tâm lớn để vượt qua khó khăn, thách thức”, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu. Theo ông, để đạt được các kịch bản đặt ra, bên cạnh quyết tâm là cần những chỉ đạo cụ thể và những giải pháp mạnh mẽ hơn và cụ thể hơn để thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Đưa ra hai kịch bản điều hành kinh tế sáu tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra hai nhóm giải pháp về y tế và kinh tế. Trong đó, để tạo nền tảng cho tăng trưởng, nhóm giải pháp về y tế sẽ tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine, coi đây là giải pháp căn cơ để phục hồi sản xuất kinh doanh, không bị đứt gãy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần xây dựng kịch bản, lộ trình và điều kiện để mở cửa trở lại nền kinh tế, vừa giúp Chính phủ chủ động trong điều hành, vừa giúp người dân, doanh nghiệp chủ động phương án, chuẩn bị sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Kịch bản mở cửa cần đề ra các dấu mốc quan trọng như: mở cửa trở lại hoạt động hàng không, du lịch quốc tế, giảm thời gian cách ly đối với người đã tiêm vaccine. Mức độ mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine…
“Cần bảo vệ an toàn khu vực chế biến, chế tạo trước đại dịch Covid-19, tạo điều kiện ổn định và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu khi các thị trường đối tác chủ yếu đang phục hồi nhanh. Đây chính là nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Theo các chuyên gia, công nghiệp chế biến, chế tạo đang là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế và để ngành này tiếp tục là động lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ. Trong đó cần điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào. Đồng thời cắt giảm tối đa chi phí logistics, phí lưu kho, vận chuyển hàng hoá. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp tại các nhà máy, khu công nghiệp và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, công nhân để bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh...
Khi động lực tăng trưởng chính đang không rõ nét
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, khác với năm 2020, các động lực tăng trưởng kinh tế năm nay không rõ nét và chịu tác động trực tiếp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư nên công tác điều hành cần có những điều chỉnh phù hợp hoàn cảnh mới. Trong đó, động lực tăng trưởng từ xuất khẩu đã thay đổi khi cán cân thương mại có dấu hiệu chuyển sang nhập siêu 1,47 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm. Trong khi giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ thấp; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng giảm mạnh; đầu tư trong nước gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao và đáng lo ngại là đã xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn phải tạm dừng sản xuất và phá sản...
Nhấn mạnh đến thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân trong nước, song theo ông Cung, việc thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm phải rất khác, vì hàng loạt dự án lớn đang đối mặt với nguy cơ đình trệ do biến động giá vật liệu xây dựng. “Tình thế đòi hỏi phải có sự thay đổi về việc thông qua chủ trương và quyết định đầu tư, đồng hành cùng chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề thủ tục phát sinh, vì khả năng đội vốn dự án là khó tránh khỏi. Đồng thời lúc này cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để khơi thông nguồn lực đầu tư trong nước, góp phần vào tăng trưởng”, TS.Nguyễn Đình Cung nói.
Bên cạnh đó, theo Phó GS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cùng với thúc đẩy tăng trưởng, nhiệm vụ quan trọng lúc này là tìm mọi giải pháp giảm thiểu thiệt hại của đại dịch Covid-19 cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt thời điểm này, các nền kinh tế lớn đang phục hồi mạnh mẽ sau khi tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 với năng lượng mới đến từ các ngành công nghệ cao, kinh tế số. Việt Nam cần nhận biết xu hướng này để có thể bắt đúng “mạch phát triển”. Theo đó, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cho giai đoạn tới không phải “chia tiền” thế nào cho mỗi doanh nghiệp khó khăn, mà phải có tầm nhìn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cổ vũ, hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hai kịch bản tăng trưởng Kịch bản 1: Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn không bị giãn cách xã hội, để đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng trưởng 6% thì quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% và quý IV tăng 6,5%. Kịch bản 2: Dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 6, không có ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh thành phố lớn không bị giãn cách xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% mức tăng trưởng cần đạt trong quý III và IV lần lượt là 7% và 7,5%. |
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
