Tăng tốc giảm nghèo đa chiều vùng dân tộc thiểu số
Thực chứng giai đoạn vừa qua cho thấy HTX là mô hình hữu hiệu cho giảm nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Trần Thị Thu - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại Dịch vụ Hoàng Nguyên (Đắk Song, Đắk Nông) cho biết, hiện cả HTX có 100 ha hồ tiêu hữu cơ của HTX được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản. Vụ mùa năm nay tuy ảnh hưởng bởi dịch, nhưng HTX cũng nhận được đơn đặt hàng của các công ty tới 400 tấn hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu với giá từ 65 - 80 triệu đồng/tấn, trong khi nhiều hộ gia đình đang phải bán hồ tiêu với giá chỉ khoảng 37 triệu đồng/tấn. Điều đó đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hàng chục hộ gia đình trên địa bàn.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Thu cho biết, số lượng HTX, tổ hợp tác phát triển trên địa bàn ngày càng nhiều, tạo nên một làn sóng mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Thay vì việc sản xuất đơn lẻ, manh mún, khó tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã giúp sản phẩm của bà con nâng cao cả về chất và lượng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Chị H’Bình, tổ trưởng tổ hợp tác thổ cẩm Đắk Nia (Đắk Nông) cho biết: “Từ việc chỉ biết ngồi nhà dệt chiếc khăn với giá 500 nghìn đồng và chờ khách đặt hàng. Nhờ tổ hợp tác, tôi đã biết bán hàng qua Zalo, Facebook và dần dần có được thương hiệu cho riêng mình”.
Tuy nhiên, dù HTX và Chương trình OCOP đã trở thành một làn sóng mới, đem lại hiệu quả tích cực cho công tác giảm nghèo, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc phát triển các mô hình này.
Theo báo cáo của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, một số cán bộ các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chính quyền ở địa phương đã tham gia hỗ trợ khởi nghiệp trong quá trình phát triển các HTX, sản phẩm từ Chương trình OCOP, các hoạt động xúc tiến thương mại... nhưng chưa hình thành đội ngũ hoạt động thường xuyên, đồng thời đội ngũ này dù có nhiệt huyết nhưng còn thiếu kỹ năng, công cụ, kinh nghiệm và mạng lưới để hỗ trợ khởi nghiệp.
Ngoài ra, theo CARE, tuy Chương trình OCOP đang được triển khai rộng rãi nhưng các tỉnh miền núi mới chủ yếu tập trung vào nâng cấp các sản phẩm sẵn có, trên cơ sở hoạt động sản xuất sẵn có của các tổ nhóm, HTX, hay các doanh nghiệp địa phương trong phạm vi từng xã.
Ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cho biết: “Với Nghị quyết số 120 nguồn lực đã có, tuy nhiên huy động được nguồn tài chính là năng lực, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính mới là tài năng. Cần nhanh chóng biến những nguồn lực này thành cơm ăn nước uống, sinh kế cải thiện đời sống của người dân. Hướng tới mục tiêu Việt Nam không còn xã đặc biệt khó khăn vào năm 2030”.
Để đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc trong việc thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã cùng Uỷ ban Dân tộc triển khai dự án “Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều trong dân tộc thiểu số Việt Nam”. Thời gian thực thi của dự án chia làm hai giai đoạn, kéo dài từ năm 2020 - 2025 với tổng ngân sách là 1,9 tỷ USD.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, ở cấp địa phương, tại các tỉnh Sơn La và Lào Cai, dự án sẽ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương và DN tư nhân tìm kiếm, thử nghiệm các giải pháp sáng tạo, nhân rộng các giải pháp đã được thử nghiệm thành công để tăng tốc giảm nghèo đa chiều trên diện rộng.
Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến việc đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng vốn sự nghiệp cho hỗ trợ sản xuất và khởi nghiệp tại Việt Nam, qua đó sẽ góp phần thực hiện hiệu quả hơn các mô hình HTX trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số.
Cụ thể, cần hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng phân bổ vốn manh mún về từng xã, từng bản đặc biệt khó khăn; thực hiện cơ chế kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, HTX, tổ nhóm, hộ kinh doanh đối với các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; lựa chọn các dự án trên cơ sở cạnh tranh…
Đồng thời, cần xây dựng mạng lưới cố vấn khởi nghiệp vì đây là xương sống của hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá vận hành tốt, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ sau đầu tư.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
