Tăng phát hành tín phiếu - bước đi khôn ngoan của nhà điều hành
NHNN tăng phát hành tín phiếu, một mũi tên trúng nhiều đích Bộ Tài chính và NHNN sẽ thống nhất về khối lượng phát hành tín phiếu |
Đáng chú ý, khối lượng phát hành tín phiếu ban đầu ở mức 10.000 tỷ đồng mỗi ngày cho 3 phiên đầu tiên, sau đó tăng lên 20.000 tỷ đồng trong 2 phiên gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, khối lượng này chưa có sự đột biến và vẫn trong tầm kiểm soát nếu so với mức thanh khoản trung bình hàng ngày trên thị trường liên ngân hàng là vào khoảng 200.000 tỷ đồng/phiên.
Theo bà Thái Thị Việt Trinh, Chuyên viên phân tích Cao cấp tại Bộ phận nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI, mức tín phiếu đang lưu hành tối đa mà NHNN đã thực hiện trong nhiều năm trở lại đây vào khoảng 200.000 tỷ đồng – đồng nghĩa với việc NHNN vẫn có thể có dư địa để phát hành thêm khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương vào khoảng 6-7 phiên giao dịch nữa với tốc độ hiện tại để đạt được con số này.
Việc NHNN tăng phát hành tín phiếu khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, động thái chính sách này của NHNN báo hiệu thời kỳ tiền rẻ chấm dứt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là các dấu hiệu cảnh báo sớm về xu hướng thắt chặt tiền tệ bắt đầu quay lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, động thái hút tiền về với khối lượng nhỏ và kỳ hạn có 28 ngày của NHNN không hàm ý sự thay đổi định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay. Cùng với động thái hút tiền dư thừa trên thị trường liên ngân hàng, khả năng NHNN sẽ có thêm giải pháp để kích cầu tín dụng trên thị trường 1. Với khối lượng phát hành 30.000 tỷ đồng, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, chỉ chiếm một phần nhỏ so với quy mô thị trường liên ngân hàng (hơn 200.000 tỷ đồng/phiên) không đáng lo ngại. Mục đích chính đợt phát hành tín phiếu của NHNN chỉ nhằm hạ nhiệt tỷ giá. "Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, kinh tế phục hồi yếu, tiền dư thừa, ưu tiên chủ đạo của chính sách tiền tệ hiện nay vẫn là hỗ trợ tăng trưởng", TS. Nghĩa nhận định.
Việc lo ngại về sự đảo chiều chính sách tiền tệ của NHNN, theo bà Thái Thị Việt Trinh cũng khá dễ hiểu. Bởi thời điểm tháng 6 năm ngoái, NHNN cũng đã tiến hành phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, và tổng khối lượng phát hành lên đến gần 660.000 tỷ đồng trước khi NHNN đưa ra quyết định tăng lãi suất điều hành vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, theo bà Trinh, bối cảnh hiện tại đã có nhiều sự khác biệt so với năm 2022. Khác biệt đầu tiên đến từ cơ chế đấu thầu. Phát hành tín phiếu trong năm ngoái là đấu thầu theo khối lượng trước, sau đó mới chuyển thành đấu thầu lãi suất. Còn năm nay hình thức đấu thầu lãi suất được NHNN sử dụng trong 5 ngày vừa qua. Tuy việc tiến hành phát hành tín phiếu của NHNN năm ngoái và năm nay đều trong bối cảnh thanh khoản tại các ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, nhưng nguyên nhân của vấn đề này trong năm nay lại khác nhiều so với năm trước.
Trong năm 2022, thị trường thừa thanh khoản nguyên nhân chủ yếu đến từ room tăng trưởng tín dụng của nhiều TCTD đã hết giữa năm, trong khi năm nay vấn đề tín dụng tăng chậm là do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022. Một điểm khác biệt quan trọng so với năm ngoái là trong khi mục tiêu chung là nhằm giảm áp lực lên đồng VND, NHNN lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm 2023 thay vì bán dự trữ ngoại hối như năm 2022 nhằm hạn chế ảnh hưởng dài hạn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. Một điểm tích cực khác là vị thế của NHNN tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm. "Nhìn chung, động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống cũng là hoạt động thường thấy từ các NHTW và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn", chuyên viên phân tích nêu rõ.
CTCK Maybank (MBKE) cũng nhận định, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống của NHNN qua phát hành tín phiếu là một biện pháp giảm áp lực tỷ giá. Đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống TCTD; và với bước đi khôn ngoan này NHNN chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái. Qua quan sát diễn biến thị trường, chuyên gia MBKE tin rằng, NHNN đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ, sao cho đạt các mục tiêu là đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên; Từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá mà không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế và đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay-PV) sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.
Sau động thái của NHNN, đà tăng của tỷ giá chững lại. Theo các chuyên gia, nguy cơ tỷ giá bật tăng mạnh như năm ngoái là không lớn do bối cảnh thế giới năm nay có sự khác biệt, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất. Dự báo cung ngoại tệ vẫn khá tích cực như nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, thặng dư thương mại đảm bảo; nguồn kiều hối tiếp tục chảy về, dòng FDI có xu hướng tăng… cũng đủ cân đối cầu trên thị trường và hỗ trợ tỷ giá. "Với diễn biến tỷ giá USD trên thế giới và dự trữ ngoại hối như hiện nay, và với cách thức điều hành chính sách linh hoạt như hiện tại, NHNN hoàn toàn có thể giữ ổn định được tỷ giá, mà không mất quá nhiều “của để dành”", một chuyên gia nhận định. Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ và có giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá.
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Dịch vụ tài chính hướng đến sự tiếp cận bình đẳng, an toàn cho người dân
