Tận dụng ưu đãi UKVFTA: Cần thích ứng với "tiêu chuẩn Anh"
![]() | Cơ hội rộng mở khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh |
Bộ Công Thương đánh giá, sau hơn một năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, Bắc Ailen (UKVFTA, được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021) đã mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đạt hai con số, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi hiệp định (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng Việt Nam có thể vượt và tạo đỉnh mới trong kim ngạch xuất khẩu sang Anh khi kết quả 10 tháng năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã đạt 5,2 tỷ USD.
Bên cạnh việc thuế nhập khẩu Vương quốc Anh sẽ được xóa bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng. Qua đó, nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế xuất khẩu vào Anh.
Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn. Khi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.
“Điểm thuận lợi khi thực thi Hiệp định UKVFTA này không thể không nhắc tới một thực tế là UKVFTA là hiệp định tiếp nối Hiệp định EVFTA sau khi Anh tách ra khỏi EU. Vì thế cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ đã có thời gian chạy đà rất dài với EVFTA trước đó”, bà Trang nói và cho biết, theo khảo sát của VCCI, 18% các doanh nghiệp cho biết đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ và trong quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Bên cạnh đó, chúng ta có lợi thế là các đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở trong khu vực Châu Á, đặc biệt trong khu vực ASEAN chưa có FTA với Vương quốc Anh. Cho nên, chúng ta có một lợi thế của người đi trước.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng cho biết sự hiện diện của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường Anh có sự tăng trưởng rất đáng kể nhờ Hiệp định UKVFTA. Chưa bao giờ thương hiệu Việt Nam và sản phẩm của Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay.
“Quan hệ của Việt Nam và Anh cũng đang đạt những bước tiến rất đáng kể. Người Anh cũng như doanh nghiệp Anh ngày nay đều rất hứng thú tìm cơ hội kinh doanh, nhập hàng hóa của Việt Nam. Trên nền tảng đó, các doanh nghiệp Việt Nam không nên chần chừ, không nên quá đắn đo trong việc ưu tiên thúc đẩy sản phẩm của mình sang thị trường Anh mà phải nhanh hơn nữa và mạnh hơn nữa khi Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác”, ông Cường chia sẻ.
Khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng tốt hơn và đón đầu được cơ hội từ các thị trường xuất khẩu, bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Anh tăng cường xây dựng, ban hành các quy định mới liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp sau khi rời EU. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể chủ động góp ý dỡ bỏ rào cản ngay từ khi còn là dự thảo. Bởi theo quy định, những cam kết về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) các nước phải tiến hành thông báo các dự thảo của biện pháp TBT cho các nước khác đóng góp ý kiến, bao gồm cả Việt Nam. Trong trường hợp biện pháp này gây cản trở thương mại quá mức cần thiết hoặc quy định khắt khe hơn; hoặc không dựa trên tiêu chuẩn quốc tế như cam kết TBT đã đưa ra, thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền đóng góp ý kiến góp ý của mình ngay từ khi biện pháp đó còn đang ở giai đoạn dự thảo. Đây là một quyền lợi rất lớn đối với doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang thì cho rằng doanh nghiệp phải tự giúp mình, phải chủ động tận dụng lợi thế. Bên cạnh đó là cần hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế.
Tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng dự báo kinh tế Anh trong năm 2023 sẽ rất khó khăn và Anh là một trong những nước đi đầu trong những nỗ lực về môi trường và giảm phát thải. Vì thế, khả năng những tiêu chuẩn có liên quan đến những vấn đề này sẽ không được loại trừ. Đây sẽ là thách thức với các doanh nghiệp của chúng ta trong việc đáp ứng các yêu cầu bên nhập khẩu đưa ra.
“Tất cả chúng ta đều biết sẽ có sự điều chỉnh lớn trong chuỗi cung ứng về xuất khẩu và nhập khẩu của Vương quốc Anh. Trong sự điều chỉnh tương ứng đó sẽ có những khoảng trống mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng. Ngoài hiệp định mà chúng ta vừa mới nói tới thì sự điều chỉnh trong chuỗi cung ứng của thương mại quốc tế sẽ là một thời cơ tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Vương quốc Anh”, ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh
