Sức ép và rủi ro lớn khi vốn trung, dài hạn dựa chủ yếu vào ngân hàng
![]() | Ngân hàng tìm thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế |
![]() | Kinh doanh ngân hàng sẽ khởi sắc cùng nền kinh tế |
![]() |
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt
Theo báo cáo, trong bối cảnh hết sức khó khăn vì dịch bệnh nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Hoạt động của ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung đó.
Các công cụ chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản, ổn định thị trường, cung ứng đủ vốn phục vụ nhu cầu nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực là động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, phù hợp với chỉ tiêu định hướng đã đề ra từ đầu năm; tiếp tục có thặng dư cán cân thanh toán quốc tế (dự kiến năm 2021 khoảng 9 tỷ USD); tín dụng 9 tháng tăng 7,39% so với cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, hạn chế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và củng cố năng lực, an toàn hệ thống giúp ứng phó hiệu quả khi có các biến cố lớn về tiền tệ tác động đến kinh tế.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng mua ngoại tệ giao ngay (chuyển sang mua theo kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang), giảm tần suất can thiệp, tạo điều kiện để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thị trường trong khi vẫn hấp thu nguồn cung ngoại tệ dồi dào trên thị trường, đảm bảo thị trường ngoại tệ vận hành thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Tỷ giá ngoại tệ biến động quanh mức 22.800 VND/USD.
Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác được điều hành đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng.
Về lãi suất, từ đầu năm đến nay, các mức lãi suất điều hành được giữ nguyên, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp (năm 2021, Quốc hội giao là 4%; chỉ tiêu này được giao ổn định 4% kể từ năm 2016) và mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân VND của các tổ chức tín dụng giảm so với cuối năm 2020 (đến nay đã giảm 1,55% so với trước khi có dịch).
Tăng trưởng tín dụng cũng được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng an toàn, hiệu quả, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, đã thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và đang xây dựng, hoàn thiện Đề án giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở phân tích thực trạng về tình hình thực hiện và bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như tác động của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng.
Được biết, hiện nay Đề án giai đoạn 2021-2025 đang được Ban cán sự Đảng Chính phủ lấy ý kiến các cơ quan của Đảng, Quốc hội trước khi tổng hợp, hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị.
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng trong việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện phương án. Trong đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng và phát triển kinh tế xã hội, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay, 4 NHTM Nhà nước đã và đang thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, Agribank đã được bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; VietinBank đã được bổ sung gần 7.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước; Vietcombank đã được bổ sung gần 7.700 tỷ đồng vốn điều lệ từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước; BIDV đã xây dựng phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại các năm 2018, 2019, 2020.
Trong khi đó, các NHTM cổ phần đã tập trung củng cố, chấn chỉnh các mặt về tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á đang được tập trung xử lý theo hướng chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ; tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới (trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại dương), báo cáo Bộ Chính trị xem xét trước khi thực hiện.
Tập trung theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các quỹ tín dụng nhân dân; triển khai các giải pháp để tăng cường vai trò của các NHTM trong hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Đến nay đã có 4 NHTM cổ phần tự nguyện tham gia xử lý 11 quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi và 12 NHTM cổ phần tự nguyện tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ thực trạng để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...
Thách thức và giải pháp
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, cho đến nay thị trường vốn và thị trường tiền tệ phát triển chưa cân đối, tỷ lệ tín dụng so với GDP ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.
“Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng và khiến các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo nguy cơ rủi ro tài chính”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,73% (cuối tháng 6/2021). Ước tính đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,67-1,95%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư ở mức 3,58-3,89%.
Nếu tính cả dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn ước tính ở mức 6,98-7,29%. Trong khi đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về giải pháp, Chính phủ cho biết trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất, tỷ giá biến động phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường.
Chủ động điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Giám sát chặt chẽ tình hình phát sinh nợ xấu của các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Khuyến khích trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung/thay thế trong năm 2022.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, xử lý một số ngân hàng, tổ chức tín dụng thua lỗ, kém hiệu quả. Phấn đấu xử lý, cơ cấu lại 2 NHTM yếu kém (Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Đại dương) trong năm 2022 và tiếp tục xây dựng phương án xử lý đối với 2 ngân hàng còn lại (Ngân hàng TMCP Đông Á và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu).
Ngoài ra, tích cực triển khai giải pháp chuyển đổi mô kinh doanh của tổ chức tín dụng từ lệ thuộc hoạt động tín dụng sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ nhằm tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh số hóa ứng dụng vào các quy trình nội bộ và quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ ngân hàng an toàn, hiện đại.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động của các mô hình kinh doanh số. Ban hành, triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.
Cùng với đó, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên mạng. Xây dựng và ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
