Sửa Luật Thanh tra cần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý. Trong tuần qua, Quốc hội cũng đã thảo luật về dự thảo Luật này.
Việc sửa đổi Luật Thanh tra được đón nhận nhiệt tình nhưng nội dung của Luật đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và nhiều chuyên gia rất tâm tư. Bởi, đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra quá mức cần thiết, bị lạm dụng, đã và đang tạo ra những gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.
![]() |
Những áp lực, rủi ro và bất an doanh nghiệp phải gánh
“Từ khi thực hiện Luật Thanh tra, tình hình đã tốt hơn rất nhiều, hoạt động thanh tra trở nên minh bạch, hiệu quả hơn, nhưng gánh nặng thanh tra với doanh nghiệp rất lớn. Việc sửa Luật Thanh tra phải giải được gánh nặng này, không thể chậm hơn”, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu.
Rất nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp đã nhiều lần nói lên những lo lắng, thậm chí thể hiện cả sự bất an về những áp lực, rủi ro doanh nghiệp phải gánh chịu từ hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội. Nhưng có những khi việc thanh tra, kiểm tra mới chỉ bắt đầu, đoàn thanh tra hoặc thành viên đoàn thanh tra vội vàng cung cấp thông tin cho báo chí hoặc bên thứ ba khi thông tin chưa đầy đủ, vì thế đã gây hiểu nhầm và thiệt hại cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.
Không ít doanh nghiệp cho biết chỉ vì có thông tin đoàn thanh tra, kiểm tra đến là nhiều thương vụ bị dừng, đối tác không đặt bút ký vào bản hợp đồng nữa. Lại có nhiều trường hợp, thanh tra, kiểm tra đã kết thúc nhưng thời gian ra kết luận thanh tra kéo dài (Luật Thanh tra quy định là 15 ngày), thậm chí thanh tra, kiểm tra không chỉ ra hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhưng cũng không đưa ra kết luận không vi phạm để doanh nghiệp có thể khôi phục hoạt động bình thường. Không chỉ ra vi phạm nhưng kết luận thanh tra không nói rõ về việc kết thúc các biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản, buộc tạm dừng sản xuất kinh doanh, tạm dừng xây dựng công trình, bỏ niêm phong tài sản, trả lại tài liệu… khiến hoạt động bình thường của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hay như, quyết định thanh tra gửi tới doanh nghiệp cũng rất gấp khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, khó điều chỉnh kế hoạch mà phải bỏ hẳn kế hoạch công tác để đón đoàn thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, việc sửa Luật Thanh tra lần này cần giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất và kịp thời chấn chỉnh nếu có những việc làm chưa chuẩn.
![]() |
Đại diện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ký nhận Quyết định thanh tra (Ảnh: Baohiemxahoi.vn) |
Cần giữ bí mật thông tin có được từ hoạt động thanh tra
Với quan điểm thanh tra, kiểm tra là để ngăn chặn sai phạm, không phải vì mục đích soi mói tìm cái sai của đối tượng được thanh tra, kiểm tra, đồng thời cũng chặn kẽ hở để hoạt động thanh tra, kiểm tra không bị lạm dụng gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị, đối với thanh tra theo kế hoạch, Quyết định thanh tra phải được gửi đến cho đối tượng thanh tra ít nhất 30 ngày trước khi bắt đầu thực hiện thanh tra. Đối với thanh tra đột xuất, quyết định thanh tra phải được cung cấp cho đối tượng thanh tra ngay trước khi bắt đầu tiến hành thanh tra.
Trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), kế hoạch thanh tra được phổ biến cho thành viên đoàn thanh tra chứ không có quy định về việc cung cấp cho đối tượng thanh tra. Vì vậy, phía VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định việc cung cấp kế hoạch tiến hành thanh tra cho đối tượng thanh tra nhằm bảo đảm việc phối hợp, đón tiếp được thuận lợi.
Dự thảo Luật cũng quy định về việc tạm dừng cuộc thanh tra trong đó có hai trường hợp chưa rõ ràng, đó là quy định về tham vấn ý kiến chuyên môn hoặc trưng cầu giám định do Thủ trưởng cơ quan nhà nước quyết định.
“Việc tham vấn và trưng cầu giám định có thể kéo dài do bên được tham vấn, bên giám định không trả lời vì một lý do nào đó. Điều này có thể tạo một lỗ hổng khiến cuộc thanh tra kéo dài vô thời hạn”, ông Đậu Anh Tuấn nói. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn tối đa cho việc tham vấn, trả lời tham vấn, trưng cầu giám định, đồng thời bỏ trường hợp tạm dừng cuộc thanh tra do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Bên cạnh đó, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng cần quy định theo hướng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải giữ bí mật những thông tin có được từ hoạt động thanh tra, không cung cấp cho bên thứ ba cho đến khi ban hành kết luận thanh tra.
Phó Tổng thư ký của VCCI cũng đề nghị trong Luật Thanh tra (sửa đổi) cần bổ sung quy định thời gian tối đa phải ban hành kết luận thanh tra từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra; nếu quá thời hạn trên mà không có kết luận thanh tra thì coi như đối tượng thanh tra không có vi phạm và được khôi phục hoạt động bình thường.
Ttrước phản ánh của doanh nghiệp tình trạng kết luận thanh tra không nói rõ về việc kết thúc các biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản, buộc tạm dừng sản xuất kinh doanh, tạm dừng xây dựng công trình, bỏ niêm phong tài sản, trả lại tài liệu… phía VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng: Nếu kết luận thanh tra không đề cập thì các biện pháp khẩn cấp tạm thời như trên sẽ được tự động chấm dứt.
Đồng thời, đoàn thanh tra cũng không được yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu mà cơ quan nhà nước đã có hoặc thông tin, tài liệu đã được công khai trên các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu mở...
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
