Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019: Từ thực trạng tới kỳ vọng
TIN LIÊN QUAN | |
![]() | Công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 |
![]() |
Doanh nghiệp đã có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ trong giai đoạn 2016 - 2018 |
Phát biểu tại lễ công bố Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ấn phẩm này được thực hiện kèm theo nhiều kỳ vọng, mục tiêu của Chính phủ nhằm hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển DN trên cả nước và các địa phương.
Bức tranh toàn cảnh, chân thực
Đại diện cho cơ quan chủ trì biên soạn Sách trắng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, giai đoạn 2016-2018 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của DN trong lịch sử, số lượng DN thành lập mới đã liên tiếp đạt mức kỷ lục, trung bình mỗi năm có gần 123.000 DN gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số lượng và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.
Trong bối cảnh lực lượng DN đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin DN là vô cùng quan trọng.
“Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin DN còn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính DN khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Giới thiệu một số kết quả chính trong Sách trắng DN Việt Nam năm 2019, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Sách trắng cho thấy hiệu quả hoạt động của khu vực DN. Theo đó, tại thời điểm 31/12/2018 số DN đang hoạt động cả nước đã đạt tới con số 714.755 DN, đặc biệt số lượng DN thành lập mới cả nước đã tăng nhanh trong thời gian qua. Riêng trong 3 năm 2016-2018, số DN thành lập mới mỗi năm đều trên 100.000 DN, cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2018, bình quân cả nước có 14,7 DN đang hoạt động trên 1.000 dân số trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương... Có 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 10 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp nhất cả nước gồm Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn…
Tổng số doanh đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016. Một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy tình hình phát triển đáng khích lệ của khu vực DN, như tổng số lao động đang làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016; tổng nguồn vốn sử dụng tăng 17,5%; doanh thu tăng 18,5%; lợi nhuận tăng 23,1%...
Kỳ vọng DN lớn mạnh
Đánh giá về vai trò của bộ cơ sở dữ liệu trong Sách trắng DN Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ rất lâu Chính phủ luôn mong muốn có bộ cơ sở dữ liệu chính xác, cập nhật kịp thời và nhất quán giữa các cơ quan quản lý DN.
Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Tổng cục Thống kê thực hiện, phối hợp với các cơ quan đăng ký kinh doanh trực thuộc bộ, và các cơ quan khác như Tổng cục Thuế để cập nhật số liệu từng ngày, từ đó biên soạn cuốn sách cung cấp bức tranh tổng thể, chân thực về tình hình sức khoẻ DN, công bố trên toàn quốc với rất nhiều mục tiêu.
Lưu ý các địa phương cần tập trung phân tích số liệu trong Sách trắng để biết mình đã làm được gì trong việc phát triển khu vực DN, Phó Thủ tướng cho rằng, tính đến thời điểm 31/12/2018 cả nước có hơn 714.000 DN, vậy địa phương phải biết số này nằm tập trung ở đâu để có điều chỉnh phù hợp về chính sách.
Đặc biệt, riêng số DN đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã là hơn 386.000 DN, chiếm hơn 50% trong số DN hiện có của cả nước. Trong khi cần lưu ý các tỉnh trong top 10 từ dưới lên gồm Bắc Cạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang... phần lớn nằm ở khu vực miền núi phía Bắc.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các địa phương cần nhìn vào chỉ số phát triển DN để tránh tình trạng chủ quan. Bởi top 10 tỉnh có tốc độ tăng DN lớn nhất lại không phải là các tỉnh có số lượng DN cao nhất cả nước, như Bình Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Bắc Ninh.
Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ 2 về số lượng DN nhưng tốc độ tăng trưởng DN trong năm 2018 ở vị trí 42 trên toàn quốc; hoặc Nghệ An ở top 10 về số lượng DN, tổng số thu từ nền kinh tế đứng thứ 5 toàn quốc, nhưng tốc độ tăng DN xếp thứ 57. “Nhìn vào các con số đó để thấy Hà Nội đã làm nhiều việc và nhiều năm qua tăng trưởng DN tốt nhưng nay tốc độ đang chậm lại, nếu cứ bình chân như vại thì dần dần sẽ tụt hậu và địa phương khác vượt lên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở.
Mặc dù nuối tiếc cơ quan biên soạn Sách trắng chưa phân tích sâu được các chỉ số quan trọng, chẳng hạn tỷ lệ 14,7 DN/1.000 lao động trong độ tuổi của Việt Nam hiện đứng ở vị trí bao nhiêu trên trường quốc tế và khu vực… Song Phó Thủ tướng ghi nhận, sự cố gắng của các cơ quan là rất lớn.
“Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan thống kê cần phân tích để con số phải biết nói, đồng thời có đánh giá, lập luận và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ thế nào, địa phương thế nào trên cơ sở tiếp tục hỗ trợ DN theo tinh thần các Nghị quyết của trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới DNNN, rồi sắp tới đây là nghị quyết về DN FDI”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu.
Với tình hình phát triển DN hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, để đạt mục tiêu cả nước có 1 triệu DN vào năm 2020, thì trong 1,5 năm nữa cần có thêm 250.000 DN, là nhiệm vụ rất thách thức. Tuy nhiên Chính phủ đang tích cực nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách, văn bản pháp lý phục vụ phát triển DN. Kỳ họp Quốc hội cuối năm nay sẽ trình sửa đổi, bổ sung luật về DN, đầu tư; biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán, Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nhiều văn bản, nghị quyết khác…
Đặc biệt, trong Luật DN sửa đổi lần này có đề cập cả hộ kinh doanh cá thể có đăng ký, tạo thành khung pháp lý để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể liên quan đến hộ kinh doanh nhằm mục tiêu quản lý tốt và khuyến khích hộ kinh doanh hoạt động.
Ngoài ra, năm nay cũng sẽ tổng kết 15 năm Nghị quyết Trung ương 3 khoá 9 về hợp tác xã, đánh giá tình hình phát triển chủ thể rất quan trọng này. Từ đó, cơ quan thống kê có thể tính toán thêm trong các năm sau có đưa kinh tế hợp tác vào báo cáo này hay không.
Để sử dụng hiệu quả Sách trắng vào quá trình hoạch định chính sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp số liệu phục vụ biên soạn mỗi năm. Đối với các địa phương, cần tập trung phân tích và so sánh số liệu để tự đánh giá điểm, mạnh yếu trong phát triển DN trên địa bàn. Địa phương có thứ hạng thấp cần nghiêm túc xem xét các nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục vụ tốt hơn nữa cho phát triển DN, đóng góp vào tăng trưởng và thu ngân sách trên địa bàn cũng như toàn quốc.
“Phải làm cho DN Việt Nam, DN dân tộc ngày càng lớn mạnh hơn để kết nối một cách hữu cơ với DN FDI, tạo thành chủ thể kinh tế thống nhất và hùng mạnh. Quốc gia muốn mạnh thì các DN phải mạnh”, Phó Thủ tướng kêu gọi sự hợp lực của các cấp ngành, địa phương.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
