Rủi ro kép từ hợp đồng hợp tác đầu tư
Gần đây, nhiều nhà đầu tư phản ánh việc mua cổ phần của Tập đoàn E trong lĩnh vực giáo dục nhưng không được trả lãi và gốc khi đến hạn thanh toán. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ nhận được câu trả lời là tập đoàn hiện khó khăn không có khả năng chi trả. Nhiều người thậm chí đã vay mượn hàng tỷ đồng từ ngân hàng với tài sản cầm cố là nhà cửa để đầu tư vào tập đoàn này nhằm kiếm chênh lệch lãi suất.
Đáng nói, vấn đề trục trặc tài chính của Tập đoàn E cũng đã lan xuống nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái. Một công ty con của Tập đoàn E vừa nhận quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế TP. Hà Nội. Một công ty con khác của Tập đoàn E thời gian gần đây bị nhiều phụ huynh học sinh tố hệ thống này tạm dừng giảng dạy trong khi đã nhận tiền học phí. Chưa kể, cổ phiếu của công ty này đã giảm 9 phiên liên tiếp (giảm 40,2%), trong đó có nhiều phiên giao dịch giảm sàn trong tình trạng “tắt” thanh khoản.
![]() |
Ảnh minh họa |
Một trường hợp tương tự trục trặc trong huy động tài chính là Công ty K. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản gặp khó khăn, công ty này thực hiện huy động vốn của nhà đầu tư trên app bằng phương thức đầu tư dự án bất động sản theo hướng chia nhỏ các khoản đầu tư, quy mô tối thiểu chỉ vài triệu đồng; thời gian huy động linh hoạt, tối thiểu trong 7 ngày. Thủ tục để nhà đầu tư góp vốn cũng vô cùng đơn giản và nhanh chóng, trong khi lãi suất được duy trì cao hơn lãi suất ngân hàng từ 2-3% tuỳ quy mô và kỳ hạn.
Ngoài những trường hợp kể trên, theo quan sát của phóng viên, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông để quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và/hoặc hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán.
Điểm chung của các đơn vị kể trên là đều đăng ký hoạt động kinh doanh đa ngành, trong đó đều có ngành nghề “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu”. Đây có thể là cơ sở mà các đơn vị này vin vào nhằm thực hiện các phương thức huy động tài chính để tự tài trợ cho các dự án sản xuất kinh doanh của mình. Trong khi các đơn vị kinh doanh tài chính chuyên nghiệp phải tuân thủ các quy định quản lý, kiểm soát rủi ro chặt chẽ, thì các đơn vị kể trên lại nằm ngoài vòng kiểm soát này.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hai lần khuyến cáo nhà đầu tư về các app giao dịch kể trên. UBCKNN cho rằng các đơn vị này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN cũng khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam nhìn nhận: Các công ty kêu gọi vốn sẽ nghĩ ra nhiều sản phẩm tài chính với nhiều tên gọi, nhưng thực chất của sản phẩm hợp tác đầu tư vẫn là để huy động tiền từ các nhà đầu tư cá nhân. Số vốn huy động này sẽ được đầu tư bất động sản, đầu tư vào công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp... thậm chí là đóng vai trò đầu tư chứng khoán hộ (thông qua sản phẩm chứng chỉ quỹ, cổ phiếu lẻ…). Những sản phẩm tài chính này đều được chào mời nhà đầu tư với lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, song ông Ngọc lưu ý, hiệu quả đầu tư thực tế từ các sản phẩm này rất bất định.
“Cơ sở nào để họ đưa ra cam kết? Tình hình tài chính công ty thế nào?”, ông Ngọc đặt câu hỏi và cho rằng nhà đầu tư nên hiểu hợp tác đầu tư suy cho cùng vẫn là lời ăn lỗ chịu. Trong quá khứ, đã từng có sản phẩm cam kết lãi tối thiểu, đơn cử như các dự án condotel, nhưng khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì họ không thể chi trả lợi nhuận như đã cam kết, đó là rủi ro với nhà đầu tư.
Do đó, ông Ngọc khuyến cáo: Cần hiểu rằng hợp đồng hợp tác đầu tư là hình thức đầu tư lãi cao thì rủi ro cao (high risk, high return), mức độ rủi ro hơn so với tiền gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu. Thậm chí trong một số trường hợp, doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền mới tìm đến phương án hợp tác đầu tư để tự huy động vốn nhằm xoay dòng tiền. Do vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị: nhà đầu tư cần nâng cao nhận thức, phân biệt sự khác nhau giữa các sản phẩm tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, cổ phiếu ưu đãi, hợp đồng hợp tác đầu tư…). Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính, sản phẩm mà doanh nghiệp mời chào đầu tư…
Tin liên quan
Tin khác

Chứng khoán toàn cầu hứng khởi vì ông Trump miễn thuế với smartphone

Chứng khoán Mỹ lại “đỏ lửa” vì căng thẳng thương mại

ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% trong năm 2025

Cổ phiếu toàn cầu phục hồi, nhưng rủi ro thuế quan vẫn còn lớn

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau quyết định hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump

Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp vì nỗi lo thuế quan

Sacombank có thể không chia cổ tức trong năm nay

Cổ phiếu châu Á phục hồi, dẫn đầu là Nhật Bản, nhờ lạc quan về thương mại

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần do nỗi lo suy thoái, lạm phát
