Quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
![]() | Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô |
![]() | GDP quý I/2020 dự báo chỉ đạt quanh mức 6,5% do ảnh hưởng từ Corona |
![]() |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trường hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì ước tính GDP năm 2020 chỉ tăng 6,09% |
Mục tiêu năm 2020 là thách thức lớn
Bộ trưởng cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020 đã diễn ra trong bối cảnh chúng ta triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.
“Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp.
Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động…
Trong bối cảnh bị tác động mạnh bởi những diễn biến phức tạp của dịch nCoV, nền kinh tế Việt Nam đã đi qua tháng đầu tiên với những thuận lợi và khó khăn đan xen. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý, chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng. Cụ thể, nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng…Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 179,5%; vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây…
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội lại giảm so với cùng kỳ, hoặc so với tháng trước như IIP tháng 1/2020 giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 17,9%; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, xuất hiện nhập siêu. Đặc biệt, CPI tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Sẵn sàng, chủ động ứng phó với tác động bất lợi
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm % so với mục tiêu đề ra). Trường hợp dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì ước tính GDP năm 2020 chỉ tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm % so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Mặc dù vậy, Chính phủ khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng; trong đó mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ xác định việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện các bộ ngành cũng khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với tác động của dịch nCoV đối với diễn biến nền kinh tế trong thời gian tới. Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho hay, cơ quan này đã trình lên Chính phủ 2 gói giải pháp cụ thể. Trước hết, trong bối cảnh hiện nay cần tập trung ưu tiên các nguồn lực để phòng chống và kiểm soát dịch. Giải pháp thứ 2, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh là phương án cần tính đến, tuy nhiên còn tuỳ thuộc yếu tố nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và hỗ trợ đối tượng nào, sẽ cần có tính toán cụ thể.
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm, cơ quan này đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng như khẩu trang y tế, nước khử trùng… phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Vừa qua bộ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để cụ thể hoá các mã hàng và khẩn trương tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm.
Trước thực trạng nông sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc do dịch bệnh, ông Phùng Quốc Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, trước mắt cơ quan này đã thống nhất với Bộ Công thương không chuyển hàng lên biên giới nữa mà tập trung vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, tăng cường chế biến và chế biến sâu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác. Trong tháng 2 sẽ có đoàn đi Dubai, Mỹ; tháng 3 đi Brazil; tháng 4 đi Nga; và các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều được phát huy tối đa.
“Trong tình thế còn khó khăn lâu dài, chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm để phù hợp với các thị trường, trao đổi thông tin thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc. Để số nông sản chúng ta xuất đi tăng cao hơn, bộ sẽ kiểm tra việc cơ cấu sản xuất và chuẩn bị tái cơ cấu sản xuất”, ông Tiến quả quyết.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư
