Quyết sách mới sẽ thúc đẩy đầu tư công, giải ngân vốn ODA
![]() |
Ông Shimizu Akira |
Đánh giá của ông về mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay?
Có thể nói quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Quan hệ tin cậy giữa hai nước dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau là cơ sở quan trọng; và mối quan hệ ấy cũng được vun đắp bởi sự gắn bó giữa nhân dân hai nước. JICA sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính, đồng thời thúc đẩy hơn nữa việc kết nối giữa con người với nhau thông qua chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cử chuyên gia, tổ chức các chương trình đào tạo… góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
JICA sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam trong thời gian tới để phục hồi kinh tế sau đại dịch đồng thời với phòng chống COVID-19?
Chính phủ Việt Nam chủ trương cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, do đó, các hợp tác của JICA cũng được tiến hành phù hợp với chủ trương này. Những ưu tiên hỗ trợ của JICA cho Việt Nam sẽ tập trung vào “Đối phó với dịch bệnh COVID-19” và “Phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Nhưng trước hết, để đối phó với dịch bệnh COVID-19 Việt Nam cần có các giải pháp trung và dài hạn trong phòng ngừa dịch bệnh; Đặc biệt, tăng cường hệ thống y tế đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Về phía JICA, chúng tôi đã và đang triển khai hợp tác trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam trong hơn 40 năm qua; trong đó tập trung vào hai ưu tiên trọng điểm: Tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên; và tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Các hợp tác này góp phần hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến trên trong thực hiện các xét nghiệm nhanh, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh tại các khu vực có nguồn lây nhiễm. Ngoài các hợp tác kể trên, hiện JICA đang phối hợp với UNICEF, IOM… tập trung vào công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ở các địa phương. Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường hệ thống y tế của Việt Nam nói chung thông qua các hoạt động đào tạo, cung cấp trang thiết bị… chủ yếu tại các cơ sở y tế mà JICA đã và đang hợp tác nhằm củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế hiệu quả hơn nữa.
Còn trong phục hồi kinh tế thì sao thưa ông?
Cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế. Thông qua hợp tác của JICA, tính đến nay, khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo, 14% sản lượng điện được sản xuất và hơn 27.000 học viên tham gia các khóa đào tạo.
![]() |
JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ y tế cho Việt Nam thông qua các hoạt động cung cấp trang thiết bị y tế… |
Một số dự án tiêu biểu của JICA có thể kể đến như: Dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh; dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội; dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị nhằm thúc đẩy cung cấp năng lượng sạch để trung hòa carbon; dự án phát triển cơ sở hạ tầng tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương giúp tăng cường kết nối ASEAN… Các dự án giúp chuỗi cung ứng hàng hóa và hoạt động hỗ trợ người dân đi lại thuận lợi, đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Việt Nam.
Về đào tạo nguồn nhân lực, bên cạnh dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tăng cường giáo dục đại học như dự án hợp tác với Trường Đại học Việt Nhật (VJU), tới đây JICA sẽ tiếp tục triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp toàn diện thông qua tăng cường năng lực lao động lành nghề, thực tập sinh kỹ thuật… Ngoài các dự án kể trên, JICA đang triển khai các dự án trong lĩnh vực chuyển đổi số như an ninh mạng, số hóa… qua đó đóng góp vào chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, do vậy, JICA cũng đang nghiên cứu một số chương trình hợp tác tài chính nhằm giúp Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó.
ODA là một lĩnh vực hợp tác lớn trong quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam. Ông có khuyến nghị gì để cải thiện việc giải ngân vốn vay ODA?
Tại các dự án có sử dụng vốn vay của chính phủ Nhật Bản thông qua JICA, chúng tôi nhận thấy, một số nghị định, quy định về thủ tục trong các dự án còn phức tạp, chồng chéo, ví dụ chỉ một thay đổi nhỏ của dự án cũng cần phê duyệt của lãnh đạo cấp cao, dẫn đến giải ngân vốn vay ODA bị chậm trễ.
Một khó khăn nữa là việc khó sử dụng quỹ dự phòng ngay cả khi thật sự cần thiết. Đầu tư công đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm có những quyết sách mới để thúc đẩy hoàn thành chắc chắn và hiệu quả các dự án đang triển khai, đồng thời hình thành các dự án mới phù hợp với chủ trương cân bằng giữa phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội.
Xin cảm ơn ông.
Trong hai năm 2018 và 2019 không có hiệp định vốn vay ODA nào từ JICA do chủ trương hạn chế vay nợ nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên trong năm tài khóa 2020 của JICA (từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021), JICA ký kết với Việt Nam 2 hiệp định vốn vay ODA mới và đây được coi là một tín hiệu đáng khích lệ cho những hợp tác tiếp theo trong tương lai. |
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
