Quý II: Kinh tế Đức rơi vào suy giảm
Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng tại Đức của Ngân hàng ING nhận định, số liệu GDP quý II đánh dấu sự kết thúc của “một thập kỷ vàng” của nền kinh tế Đức. Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này đã và đang chịu ảnh hưởng bởi những gì mà các nhà phân tích mô tả là một "cơn bão hoàn hảo" của các yếu tố tiêu cực.
Kinh tế Đức phụ thuộc rất nhiều vào các nhà xuất khẩu mà hiện một lượng lớn hàng hóa được bán cho các đối tác Trung Quốc và Hoa Kỳ, vốn đang bị cuốn vào cuộc CTTM. Doanh số bán ô tô trên toàn cầu yếu cũng giáng đòn mạnh vào các nhà sản xuất ô tô của Đức, trong khi lo ngại về một Brexit ra đi không thỏa thuận vẫn hiện hữu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã đóng vai trò nòng cốt trong hỗ trợ tăng trưởng của khu vực này sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng sản lượng công nghiệp tháng 6 của Đức đã giảm hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Và chỉ số ZEW - Chỉ số niềm tin kinh tế Đức của các nhà đầu tư và chuyên gia - trong tháng 8 đã giảm mạnh, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011. Chuyên gia Brzeski cho rằng, sự bất định đang là yếu tố tiêu cực hàng đầu với kinh tế Đức hiện nay. "Chính sự bất định gia tăng, chứ không chỉ vì ảnh hưởng trực tiếp từ các xung đột thương mại, hiện đang làm niềm tin suy giảm và kéo theo đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế", chuyên gia này nhận định.
Một vấn đề quan trọng khác là sự sụt giảm nhu cầu ô tô toàn cầu - đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi doanh số bán xe mới đã giảm 13 tháng liên tiếp. Đây đang là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW, Daimler hay Volkswagen. Hơn nữa, nó lại xảy đến vào đúng thời điểm mà các nhà sản xuất ô tô của Đức đang phải nỗ lực đầu tư lớn để chế tạo ra những chiếc xe sạch hơn.
Tuy nhiên, Oliver Rakau, kinh tế gia trưởng tại Đức của Oxford Economics kỳ vọng Đức sẽ quay trở lại mức tăng trưởng "khiêm tốn" trong quý hiện tại nhờ được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước đang khá tốt. Nhìn sang năm tới, nếu xuất khẩu và tăng trưởng của ngành công nghiệp tiếp tục khó khăn, rất có thể chính phủ Đức sẽ phải sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế nhiều hơn. Khả năng chính phủ phải can thiệp để kích thích nền kinh tế càng lớn hơn nếu cuộc CTTM Mỹ - Trung Quốc kéo dài. Nhưng với một quốc gia nổi tiếng cảnh giác về việc vay nợ như Đức thì viễn cảnh này chưa chắc đã xảy ra.
Việc kinh tế Đức rơi vào suy giảm trong quý II cũng thúc đẩy khả năng NHTW châu Âu (ECB) sẽ phải có hành động chính sách trong cuộc họp vào tháng 9. Các nhà kinh tế dự đoán, ECB sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất, vốn đã ở mức rất thấp trong lịch sử. ECB cũng báo hiệu có thể sẽ khởi động lại chương trình mua trái phiếu được thiết kế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
