Quản trị công ty tốt để thúc đẩy thị trường vốn
Tại Hội thảo trực tuyến “Triển khai Thực hiện Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty (QTCT) theo thông lệ tốt nhất” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức hôm qua, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) đóng vai trò là một kênh dẫn vốn hiệu quả giúp kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển một TTCK minh bạch hiệu quả có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.
Đối với Việt Nam, yêu cầu hình thành nền tảng QTCT tốt là vô cùng cấp bách và phải được thúc đẩy ở tất cả các lĩnh vực kinh tế mà đặc biệt là tại các doanh nghiệp niêm yết đại chúng đang huy động vốn trên thị trường. Vấn đề này ngày càng cấp thiết khi Việt Nam đang phải nhanh chóng và chủ động tham gia hội nhập sâu và rộng hơn nữa vào nền kinh tế khu vực và quốc tế.
![]() |
Quản trị công ty tốt phải được thúc đẩy ở tất cả các lĩnh vực kinh tế |
"UBCKNN, HoSE và HNX có trọng trách giữ vững niềm tin của công chúng và các nhà đầu tư đối với TTCK. Chúng tôi đã và đang cùng nhau nỗ lực cải thiện chất lượng QTCT tại các doanh nghiệp đại chúng trên thị trường. Những nỗ lực này bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức các chương trình đào tạo, ban hành các sổ tay hướng dẫn và tổ chức các hội thảo để học hỏi kinh nghiệm quốc tế về QTCT", ông Sơn nói và cho biết QTCT luôn được UBCKNN coi trọng từ khi thành lập.
Trải qua 20 năm, QTCT của TTCK và doanh nghiệp trên TTCK ngày càng tốt hơn và được Chính phủ rất quan tâm nên đã có Nghị định 71/2017. Vừa qua Nghị định 155 hướng dẫn Luật Chứng khoán cũng đã thiết kế một chương hướng dẫn riêng về QTCT.
Chia sẻ về những thành công thực hiện bộ nguyên tắc QTCT, ông Đỗ Lê Hùng - Thành viên HĐQT độc lập Vinamilk cho biết, lợi ích của QTCT tốt không còn cần phải bàn cãi. Động lực chính cho áp dụng và phát triển QTCT tốt không chỉ ở yêu cầu của pháp luật hay cơ quan quản lý mà còn ở chính nhận thức của Ban lãnh đạo công ty cũng như đòi hỏi của thị trường và các nhà đầu tư. Triển khai áp dụng QTCT tốt là quá trình lâu dài của sự thuyết phục, thử nghiệm, thích nghi, đánh giá, điều chỉnh và thừa nhận. Trên thực tế, không có một công thức chung cho tất cả các công ty mà tùy ở lĩnh vực của mình, các công ty cần có lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với riêng mình.
Ông Hùng cho biết, việc áp dụng và phát triển QTCT tiên tiến đã giúp Vinamilk đạt được nhiều giải thưởng và kết quả được thừa nhận trong nước và khu vực trong nhiều năm liên tiếp. Thị giá cổ phiếu VNM luôn tăng trưởng cao so với mức bình quân của thị trường. Gần đây nhất, Vinamilk được đánh giá là “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”; Top 3 doanh nghiệp niêm yết đánh giá theo Thẻ điểm QTCT Asean (ACGS); Đạt 3 giải nhất: doanh nghiệp QTCT tốt nhất (nhóm vốn hóa lớn), Báo cáo thường niên tốt nhất 2020, Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất.
Để đạt kết quả này, ông Hùng cho biết, trước năm 2010, Vinamilk chỉ có một phòng kiểm soát nội bộ (KSNB) với mục đích xây dựng hệ thống KSNB ở mức độ cơ bản, theo kinh nghiệm; Kiểm tra tính tuân thủ của các phòng ban đơn vị; Chưa thực hành quản lý rủi ro (QLRR) mang tính hệ thống.
Từ năm 2010, Vinamilk đã thuê Công ty tư vấn (Ernst and Young) đánh giá hệ thống quản trị doanh nghiệp, sau đó dựa trên khuyến nghị thuê tư vấn thành lập phòng Kiểm toán nội bộ (KTNB) theo đúng thực hành tiên tiến về quản trị doanh nghiệp, thiết lập tầng phòng vệ thứ 3 báo cáo cho Ban kiểm soát. Phòng KSNB vẫn được duy trì và đổi tên, nâng cấp hoạt động thành “Phòng KSNB và QLRR”. Với sự hỗ trợ của tư vấn liên tục trong nhiều năm, các chính sách và thủ tục quản lý rủi ro được từng bước áp dụng. Nhiều cải tiển, bổ sung khác nhằm nâng cao chất lượng QTCT cũng được triển khai sớm như: Tách bạch chức năng Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc; thực hành các nguyên tắc nâng cao trách nhiệm của HĐQT, công bố thông tin tài chính và phi tài chính; quan tâm các vấn đề phát triển bền vững (năng lượng, môi trường, xã hội…). ĐHCĐ 2017 đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tiểu ban Kiểm toán (nay là Ủy ban Kiểm toán) thay cho Ban kiểm soát. Đây là bước đi căn bản trong QTCT của Vinamilk.
Sau gần 10 năm hoạt động, KTNB hiện nay đã trưởng thành và đóng vai trò quan trọng, mắt xích không thể thiếu trong hệ thống QTCT và KSNB, đóng góp vào việc cải tiến, tối ưu hóa các quy trình quản lý, KSNB và QLRR. Phòng “KSNB và QLRR” tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ Tổng giám đốc và Ban điều hành thiết lập và duy trì khung KSNB và QLRR; đảm bảo các hệ thống này được theo dõi liên tục và hỗ trợ cho việc kiểm soát rủi ro và ra các quyết định quản lý tối ưu.
“Năm 2020, theo đánh giá của HoSE về Phát triển bền vững phần nội dung QTCT có kết quả chung rất cao, đạt 93%, trong đó chi tiết theo các tiêu chí đánh giá như sau: Quyền của cổ đông: 88%; Đảm bảo vai trò của các bên liên quan: 100%; Công bố và minh bạch thông tin: 100%; Trách nhiệm của HĐQT: 91%; Môi trường kiểm soát: 88%”, ông Hải thông tin.
Nói về ý nghĩa, vai trò của Bộ quy tắc theo thông lệ tốt nhất, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM cho biết, Luật Doanh nghiệp đã đưa ra những nguyên tắc chung nhất cho về QTCT, trong đó có những quy định về QTCT cho những doanh nghiệp niêm yết, đại chúng và những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù.
QTCT theo thông lệ tốt là các nguyên tắc về QTCT được đúc kết theo thời gian được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia, nhiều công ty. Bộ quy tắc QTCT tốt nhất là quá trình áp dụng các chuẩn mực quốc tế để QTCT một cách tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất cả về quản trị lẫn hiệu quả kinh doanh.
"Quản trị tốt thì nó mang đến rất nhiều cái lợi. Có thể giúp giảm thiểu ngay các tranh chấp trong nội bộ công ty. Nó có thể giúp công ty có những định hướng phát triển về mặt lâu dài, nó có thể giúp tăng trưởng con số về mặt tài chính, kinh doanh tốt hơn, giúp thị giá cổ phiếu cao hơn...", ông Hiếu cho biết.
Chia sẻ về lý do tại sao lại cần đến Bộ quy tắc về QTCT, ông Hiếu cho rằng, có những quy định mà doanh nghiệp muốn áp dụng đã ở luôn trong luật nhưng có những nội dung QTCT luật pháp không thể chế định được và bộ quy tắc này giúp phát triển sâu sắc hơn, giúp các công ty áp dụng một cách cụ thể hơn, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh vượt lên tầm cao mới.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
