Quan ngại giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA vẫn chậm
![]() | Đầu tư công: Không thể từ kỳ vọng thành... thất vọng |
![]() | Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công |
![]() |
Trong 13 bộ được phân bổ vốn đầu tư nguồn ODA, mới có 5 bộ giải ngân được, nhưng tỷ lệ giải ngân chủ yếu tập trung ở 2 bộ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải, còn lại 8 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Đáng chú ý, các bộ, ngành chủ yếu vẫn đang giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020.
Trên đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính với các bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài và bàn các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2021, diễn ra ngày 11/6/2021.
Tiến độ giải ngân chậm như trên là đáng quan ngại. Vốn đầu tư công và vốn đầu tư công có nguồn nước ngoài (ODA) chậm giải ngân không chỉ ảnh hưởng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư công có vốn nguồn nước ngoài
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư cho các chương trình dự án, khẩn trương nhập phân bổ vào hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) để kiểm soát chi.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ dự án, ban quản lý dự án phải có khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành điều kiện thanh toán để gửi đơn rút vốn cho nhà tài trợ thực hiện giải ngân theo chế độ quy định… Nhưng trên thực tế, tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài vẫn chậm và thấp.
“Nếu giải ngân tốt vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ về tài chính, ngân sách dự toán đã được Quốc hội giao. Ngược lại, việc giải ngân nguồn vốn này đạt thấp, kéo dài là đáng quan ngại”, Cục trưởng Trương Hùng Long nói.
Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh các bộ, ngành và các chủ dự án được giao vốn đầu tư công từ nguồn ODA phải trao đổi để tìm ra nguyên nhân của sự chậm trễ này.
Bộ Quốc phòng có 2 dự án đã phân bổ nhưng chưa thực hiện giải ngân. Nêu lý do, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết khó khăn lớn nhất là thủ tục giải ngân. Phía nhà thầu chưa xác nhận hồ sơ khối lượng các công việc đã thực hiện, nguyên nhân là do việc trao đổi, xác nhận hồ sơ bị vướng mắc do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chưa giải ngân. Nguyên do là vì gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu. Dự kiến tháng 7/2021, bộ sẽ phê duyệt nhà thầu và các phần vốn này sẽ được tạm ứng vào cuối năm. Theo kế hoạch, số vốn giao sẽ được bộ giải ngân hết trong năm 2021.
Một số bộ khác phàn nàn về việc chờ đợi sự phối hợp của các nhà tài trợ quá lâu, hoặc việc điều chỉnh chủ trương vốn ODA không thuận lợi…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị từ nay đến cuối năm phải giải quyết vướng mắc để tăng tỷ lệ giải ngân, đến hết năm giải ngân hết.
Thứ trưởng nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải quyết liệt triển khai các dự án mình.
Các cơ quan chủ quản dự án phải chỉ đạo các ban quản lý dự án trong việc triển khai dự án, kể cả việc trình duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt các hồ sơ quyết định đầu tư, thực hiện vai trò quản lý nhà nước khác liên quan đến vấn đề đầu tư và xây dựng, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi.
“Các đơn vị cần chủ động trong việc điều chỉnh các dự toán trong phạm vi bộ, ngành. Nếu thấy thiếu nguồn lực để giải quyết trong 6 tháng cuối năm thì báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ phân bổ lại”, Thứ trưởng Hà nói.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ khẩn trương giải quyết các thủ tục. Các hồ sơ thanh toán trước, kiểm soát sau thì thực hiện trong một ngày làm việc, còn đối với những hồ sơ kiểm soát chi thì thực hiện theo đúng chế độ quy định tối đa không quá 3 ngày.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ phối hợp báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/NĐ-CP và Nghị định 97 về về quản lý vốn ODA và cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để phù hợp, thuận lợi hơn.
Để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nguồn ODA, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng “cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2021”.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
