Quản lý dịch vụ internet: Doanh nghiệp lo ngại tình trạng bảo hộ ngược
Thông tin về nội dung dự thảo Nghị định, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung tới 86% nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Dự thảo có những thay đổi lớn về các chính sách: quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, cấp phép thiết lập mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng, cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động; quản lý hoạt động cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới, tăng cường triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet… với các quy định cụ thể về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, mạng xã hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng và nhiều quy định quan trọng khác.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung; đề xuất bổ sung quy định yêu cầu mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Cùng với đó, người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, người dùng muốn dùng dịch vụ phát video trực tiếp (livestream) mạng xã hội phải xin phép..
![]() |
Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay: Nghị định 72/2913/NĐ- CP rất quan trọng được các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước quan tâm.
Việt Nam là nước có độ phủ internet cao với khoảng 70% triệu người sử dụng, chiếm 70% dân số. Hạ tầng viễn thông đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống và kinh doanh.
Dù vậy, internet cũng rất dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát. Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quản lý như thế nào là vấn đề rất quan trọng. Bởi nếu quản lý không khéo hoặc quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm được yêu thích, có khả năng xuất khẩu.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, việc cân bằng nội dung mà vẫn đảm bảo cho phát triển công nghiệp nội dung số là thách thức cho cơ quan quản lý. Với các quy định hiện tại, doanh nghiệp trong nước lo ngại nếu sửa đổi Nghị định 72 dẫn tới tình trạng bảo hộ ngược và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
"Quy định chúng ta đặt ra rất lớn, tuân thủ rất cao, nhưng trong khi đó gánh nặng tuân thủ thường lại dồn cho các doanh nghiệp có trụ sở đang hoạt động tại Việt Nam, còn các công ty cung cấp xuyên biên giới thì mức độ quản lý của Việt Nam chắc chắn khó hơn” - ông Tuấn nêu.
Từ đó, ông Tuấn đưa ra lo ngại doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được, mặt khác có thể dẫn tới việc người trong nước ra nước ngoài để mở doanh nghiệp và cung cấp ngược lại.
Đưa ra quan điểm của mình, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, việc chặn nội dung không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet tiềm ẩn nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi xu hướng Internet mở toàn cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu tạm khóa và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đặt vấn đề về việc "Tài khoản mạng xã hội là một tài sản của người dân, nếu kênh bị báo cáo vi phạm có đảm bảo quy trình để chấm dứt quyền sở hữu tài sản hay không?"
Ông Đồng cho rằng ban soạn thảo cần cân nhắc việc này khi trong dự thảo và ông so sánh tài khoản mạng xã hội của người dân cũng như khi họ điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi đó, nếu người tham gia giao thông vi phạm, CSGT cũng chỉ xử phạt chứ không thể chấm dứt quyền sở hữu của người dân.
Vì vậy, ông Nguyễn Quang Đồng đề nghị cân nhắc việc ngừng cung cấp dịch vụ internet đối với các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật và đặt câu hỏi về việc chấm dứt quyền tiếp cận có hợp lý hay không nên cần cân nhắc.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều cho rằng, có nhiều nội dung chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó thực thi, gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam; có những nội dung quy định chưa tương thích với quy định tại một số luật hiện hành...
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị định căn cứ vào thực tế và ý kiến của doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo quyền lợi người sử dụng, hiệu quả quản lý và lợi ích doanh nghiệp. Ban soạn thảo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định, bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
