Phương Tây đồng thuận áp trần giá dầu của Nga
Không tạo thêm căng thẳng
Tin tức về thỏa thuận - trước đó cần được sự chấp thuận từ Ba Lan - đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, xác nhận trên Twitter ngày 2/12, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Nga mà không gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu. “Hôm nay, EU, G7 và các đối tác toàn cầu khác đã đồng ý đưa ra mức giá trần toàn cầu đối với dầu vận chuyển bằng đường biển từ Nga”, bà Ursula von der Leyen viết, đồng thời cho biết thêm rằng sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giảm doanh thu của Moscow và ổn định thị trường năng lượng bằng cách cho phép các nhà khai thác có trụ sở tại EU vận chuyển dầu đến các nước bên thứ ba với điều kiện giá dầu được định giá dưới mức giá trần.
Một quan chức EU cũng nói với CNN vào thứ Sáu, khẳng định 27 quốc gia thành viên của Khối đã đồng ý đặt mức trần ở mức 60 USD/thùng. Vài tháng trước, các nền kinh tế lớn nhất của phương Tây đã đồng ý cần thiết lập mức giá trần sau những vận động hành lang của Mỹ và tuyên bố sẽ đưa ra các chi tiết vào đầu tháng 12 này. Tuy nhiên việc thảo luận để thiết lập một con số giá trần cụ thể tỏ ra khó khăn và đến nay mới thống nhất được.
![]() |
Một tàu chở dầu đang neo đậu tại khu phức hợp Sheskharis, Novorossiysk, Nga |
Trước đó, đã có nhiều thảo luận và truyền thông đưa tin về việc giới hạn trần giá dầu của Nga nên trong khoảng từ 65 - 70 USD/thùng, nhưng điều đó sẽ không gây nhiều “đau đớn” cho Điện Kremlin bởi thực tế dầu thô Urals, tiêu chuẩn của Nga, đã được giao dịch trong hoặc sát với phạm vi trần dự kiến đó. Vì vậy, một số nước thành viên EU như Ba Lan và Estonia đã thúc đẩy cần có mức giá trần thấp hơn. Như ban đầu, Ba Lan đề xuất mức giá trần là 30 USD/thùng (chưa bằng một nửa mức giao dịch thực tế của dầu Urals trên thị trường thời điểm đó), trước khi đồng ý mức trần 60 USD/thùng là chấp nhận được. Còn Estonia cũng có cùng quan điểm, thậm chí cho rằng mức này vẫn là cao. “Thỏa thuận trần giá dầu hôm nay là một bước đi đúng hướng, nhưng điều này là chưa đủ. Ý định là đúng, nhưng thông điệp đưa ra là yếu”, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu viết trên Twitter hôm thứ Sáu.
Mức giá 60 USD/thùng hiện thấp hơn khoảng gần 27 USD so với dầu thô Brent nhưng vẫn cao hơn giá giao dịch dầu Urals chỉ quanh mốc 50 USD/thùng trong những ngày gần đây, theo số liệu của Argus Media. Với giá giao dịch thực tế đang thấp hơn giá trần khá nhiều nên nếu nhìn sơ bộ thì tác động của giá trần sẽ không lớn. Tuy nhiên, đằng sau đó là một câu chuyện khác. Bởi nếu áp mức giá trần thấp hơn thì Nga có thể trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng, điều này sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng và sẽ rất khó giải quyết hậu quả. Thực tế Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo sẽ ngừng cung cấp cho các quốc gia tuân thủ giới hạn giá trần mà phương Tây đặt ra.
“Thắt” vừa phải để giữ dòng chảy năng lượng
Vì vậy, điều mà EU và G7 mong muốn là thông qua việc áp giá trần ở mức không quá thấp như vậy sẽ gây được áp lực lên Nga nhưng đồng thời vẫn giữ được dòng chảy dầu của Nga trên thị trường. Sau khi G7 thông báo chấp thuận mức trần 60 USD/thùng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm thứ Sáu cho biết, trần giá này sẽ khuyến khích dầu của Nga giá rẻ chảy vào thị trường toàn cầu, qua đó bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp khỏi sự gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng.
Giá trần này sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, theo đó các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và các dịch vụ khác cho dầu mỏ của Nga phải tuân thủ lệnh cấm này và sẽ không được thực hiện các dịch vụ của họ nếu các lô hàng dầu của Nga được bán trên mức giá trần này. Hiện hầu hết các công ty này đều có trụ sở tại châu Âu hoặc Vương quốc Anh.
Thỏa thuận này cũng bao gồm một cơ chế điều chỉnh mức giá trần để đảm bảo luôn thấp hơn 5% so với giá giao dịch trên thị trường. Hiện chi tiết về nội dung này chưa rõ, nhưng về cơ bản có thể hình dung là: Nếu giá giao dịch dầu Urals thực tế thấp hơn mức trần 60 USD/thùng thì áp mức trần này; còn trong tương lai, ví dụ khi giá giao dịch dầu Urals trên thị trường lên mức 70 USD/thùng thì theo lệnh cấm, mức giá trần áp dụng sẽ là 66,5 USD/thùng và các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm liên quan phải tuân thủ theo giá trần này, không được thực hiện dịch vụ với các lô hàng dầu của Nga có giá trên mức trần điều chỉnh này.
Trong khi các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng với lệnh cấm vận của EU đối với việc vận chuyển dầu mỏ của Nga bằng đường biển sẽ có hiệu lực vào thứ Hai (5/12) thì những dự báo trái chiều về tác động của lệnh cấm đó, cùng với những quan ngại dai dẳng về trần giá đã khiến các nhà giao dịch bối rối. “Có quá nhiều điều không chắc chắn, nghi ngờ và sự thiếu rõ ràng về chính sách nên không ai thực sự tự tin về cách hành động”, Richard Bronze, Trưởng Bộ phận địa chính trị tại công ty nghiên cứu Energy Aspects, cho biết.
Sau khi liên tiếp tăng cao, hiện giá dầu mỏ đã giảm mạnh trong thời gian qua do chính sách đối phó với Covid của Trung Quốc và nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu. Mặc dù OPEC và Nga đã công bố cắt giảm sản lượng lớn vào tháng 10, nhưng điều đó tác động không lớn đến giá dầu. Tuy nhiên, rất có thể lệnh cấm vận của EU và những nỗ lực thiết lập mức giá trần với dầu của Nga có thể bắt đầu đẩy giá dầu mỏ lên cao hơn một lần nữa.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
